Kaṭhina

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Kaṭhina

Nghĩa đen là khung gỗ để căng vải may y. Tỷ kheo được phép sử dụng (Cullavagga trang 205).

Ở một nghĩa chuyên biệt khác, đây là tên gọi một tăng sự được tổ chức sau ngày Tự Tứ, lúc các tỷ kheo vừa trải qua ba tháng an cư kiết hạ. Tăng chúng sẽ chọn ra một nhân tuyển thích hợp để đại diện chư tăng thọ y. Đó có thể là vị tỷ kheo đang cần y mới để thay đổi y cũ đã rách nát, hoặc một vị trưởng lão nào đó. Nghi thức chỉ định nhân tuyển là hai lần tuyên ngôn. Nếu thí chủ chỉ dâng vải suông, chưa may thành y, thì vị tỷ kheo nhận y (thường với sự giúp đỡ của huynh đệ) sẽ phải tự tay may lấy một trong ba y, đặc biệt y nào được xem là cấp thiết nhất lúc đó, để dùng ngay trong tăng sự thọ y.

Tỷ kheo thọ y ngoài việc được nhận y mới, còn được những đặc quyền khác (kaṭhiṇānisamsa),như trong 5 tháng sau đó có thể đi khỏi trú xứ không cần thông báo cho bạn tu, được phép không mang đủ tam y cách đêm nếu thấy bất tiện,… Xin xem ở các mục từ Anāmantacāro, Asamā-dānacāro, Gaṇabhojana, Adhiṭṭhāna, Vikappana.

Tam y hoặc vải may y được dâng cho tăng sự Kaṭhina có thể là của cư sĩ hoặc một cá nhân tăng ni nào đó cúng dường, đôi lúc đó chỉ là một miếng vải lượm từ chỗ bất tịnh và đã được giặt sạch, nhưng quan trọng là không thể nằm trong các trường hợp sau:

  1. Y hay vải do mình gợi ý cho thí chủ (animittakena), do mình trực tiếp đề nghị (aparikathākatena),

  2. Y hay vải tạm mượn để sau tăng sự phải trả lại (akukku-katena),

  3. Vải chưa được chuẩn bị đúng mức như giặt hay nhuộm màu để không thể sẳn sàng sử dụng sau tăng sự trong vòng một ngày, nghĩa là phải trải qua thời gian Cất Giữ (asanni-dhikatena),

  4. Y hay vải có được từ một tỷ kheo phạm Xả Ba Dật Đề (nissaggiya-cīvara).

Tóm lại, y hay vải dùng trong tăng sự Kaṭhina phải được chuẩn bị đàng hoàng (kappakata) để có thể sử dụng chậm lắm cũng một ngày sau đó.

Có một số trường hợp tỷ kheo không thể là nhân tuyển thích hợp cho việc thọ y Kaṭhina, như đương sự không biết gì về những việc phaûi làm trước khi thọ y (pubbakaraṇa), không biết làm gì với y cũ (pac-cuddhāra), không biết cách chú nguyện y mới (adhiṭṭhāna), không biết thế nào là làm hỏng quả báo tăng y Kaṭhina (uddhāra), không biết những ràng buộc về y và trú xứ liên quan đến Kaṭhina (palibodha), không biết gì về năm đặc quyền của một vị thọ y Kathina (kaṭhi-nānisaṃsa).

Một tăng sự Kaṭhina có thể không thành tựu vì một trong các lý do sau:

  1. Vatthuvipanna: Y hay vải trong lễ thọ y không hợp luật nghi (kappiya).
  2. Kālavipanna: Y hay vải Kaṭhina không được dâng kịp thời, một ngày sau đó cũng bị xem là quá trễ.
  3. Karanavipanna: Vải dâng Kaṭhina chưa kịp may thành một y nào trong ba y để có thể làm tăng sự Kaṭhina.
  4. Vị tỷ kheo thọ y có thể bị mất năm đặc quyền hậu tăng y trong một số trường hợp, xin xem chữ Kaṭhina-uddhāra.
  5. Kaṭhina-attharana: Thuật ngữ chỉ chung việc tỷ kheo may và thọ y Kaṭhina. Nghĩa đen là Trải Vải (hay y) Lên Khung May.
  6. Kaṭhina-uddhāra: Nghĩa nôm na là trường hợp ý nghĩa hay quả báo tăng y bị hỏng, do các nguyên nhân sau:
    • Pakkamantikā: Tỷ kheo rời chỗ vừa an cư để tìm thêm y và không có ý quay về nữa.
    • Niṭṭhānantikā: Tỷ kheo lúc ra đi tìm y có ý quay về, nhưng sau đó không về được.
    • Sanniṭṭhānantika: Tỷ kheo lúc đi tìm y không có ý về lại, và sau đó cũng không quay lui.
    • Nāsanantikā: Ngay sau lễ Kaṭhina, tỷ kheo cố ý đi tìm một lá y ngoài y Kaṭhina và không quay về trú xứ nữa, ý nghĩa tăng y của lá y vừa thọ cũng tự mất.
    • Sāvanantikā: Tỷ kheo rời trú xứ để tìm y ngoài y Kaṭhina với ý sẽ quay lại, nhưng sau đó chưa về đến nơi thì tăng chúng đã tuyên bố đương sự không còn được hưởng các đặc quyền Kaṭhina nữa.
    • Āsāvacchedikā: Tỷ kheo rời trú xứ để tìm y, nhưng không tìm được.
    • Sīmātikkantikā: Chỉ cần rời khỏi chỗ nhập hạ quá một ngày sau lễ Kaṭhina, tỷ kheo đã làm hỏng ý nghĩa tăng y.
    • Sahubbhāra: Tỷ kheo có đi và có về trong một ngày, nhưng tự ý nhường lại cho vị khác được hưởng quả báo tăng y. Cũng có trường hợp tăng chúng xét lại rồi thay đổi nhân tuyển được hưởng quả báo tăng y bằng hai bận tuyên ngôn, thuật ngữ gọi trường hợp này là Antarā-ubbhāra (thay ngựa giữa dòng).

Cīvara

Từ gọi chung chín loại y trang của tăng ni Phật giáo theo Luật Tạng Pāli, có thể được làm từ các loại vải như bông (khoma), đay (sāna), lụa (bhaṅga) do thí chủ dâng cúng hoặc được tỷ kheo tận dụng từ những mảnh vải bị quăng bỏ. Chín loại y trang đó là: Tăng Già Lê (saṅghāṭi) có thể có đến 4 lớp, thượng y hay y vai trái (uttarasanga) cùng với hạ y hay y nội (anta-ravāsaka) đều có thể may hai lớp, y tắm mưa (vassika-sāṭika), y rịt ghẻ (kaṇḍupaticchādi), tọa cụ (nisīdana), khăn trải giường hay bọc ghế (paccattharana), khăn lau gồm khăn tay và khăn tắm nói chung (mukhapuñchana), khăn lọc nước (parikkhāracoḷaka).

Y của tăng ni không được lớn hơn y đức Phật (vốn bề ngang sáu gang tay của Ngài và dài chín gang). Trong Khuddakasikkhā cũng có quy định về kích thước tối thiểu của Tăng-già-lê và y vai trái mà tăng ni được phép sử dụng. Xin xem chữ Saṅghāṭi.

Về hình thức giống miếng ruộng của lá y, kinh ghi duyên sự bắt đầu từ một lần nhìn thấy miếng ruộng ở Dakkhiṇagiri (thuộc xứ Magadha), đức Phật đã gợi ý cho ngài Ānanda theo đó may một lá y làm mẫu cho chư tăng về sau. Số điều (tức ô vuông hay chữ nhật nằm dọc theo chiều dài lá y) tối thiểu là năm và tối đa có thể lên đến chín, tùy điều kiện.

Trong Luật Tạng có đủ thuật ngữ gọi tên từng vị trí khác nhau trên lá y của tăng ni như sau: Đường biên ngoài cùng bao quanh lá y gọi là Kusi, cặp điều giữa y là Vivaṭṭa, hai cặp điều hai bên là Anuvivaṭṭa, hai cặp điều ngoài cùng là Bāhanta. Ở mỗi cặp điều có 2 ô nhỏ: Ô chữ nhật là Maṇḍala, ô vuông là Aḍḍhamaṇḍala. Những đường đê ngang của lá y gọi là Aḍḍhakusi. Gaṇṭhi và Pāsaka là nút gài và lổ gài nút nằm ở bốn góc y. Riêng phần đường biên Kusi nằm ngay trên ô vuông giữa y có tên gọi là Gīveyyaka (chỗ ngang cổ), và phần đường biên Kusi ngay bên dưới ô chữ nhật giữa y gọi là Jaṅgheyyaka (chỗ ngang ống chân).

Do phải tự tay làm hết các việc may vá, tỷ kheo được phép giữ riêng một vài vật dụng cần thiết như dao kéo, kim chỉ và đồ đựng chúng. Y của tỷ kheo có thể được nhuộm bằng các loại màu làm từ cây cỏ, đặc biệt từ lõi cây mít. Các vật dụng được dùng trong việc nhuộm y là lò nấu (culli), vạc hay nồi lớn (rajanakumbhì), thau chậu loại lớn (uttarālumpa), vá to (rajanaluṅka), máng chảy (rajanadoṇi), sào tre (cīvaravaṃsa) hay dây phơi y (cīvararajju). Y mới cần được làm hoại sắc (dubbaṇṇakaraṇa) bằng một vết lem lấm ở góc trước khi mặc.

Còn một số vấn đề khác liên quan đến y áo, xin xem ở các mục từ liên quan.

Cīvara-adhiṭṭhāna: Việc chú nguyện một lá y mới trước khi dùng. Việc này chỉ có thể thực hiện trong những thời điểm hợp luật: Đối với tam y thì trong mùa tăng y hoặc lúc y cũ đã rách nát và có được y mới trong số lượng được phép (trường hợp này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm), đối với y tắm mưa thì chỉ có thể làm việc chú nguyện trong bốn tháng mưa, vải rịt ghẻ thì trong thời điểm bị bệnh. Sau khi đã qua khỏi thời điểm được phép, y tắm hay vải rịt ghẻ phải được hợp thức hóa (vikappana) bằng phép xả (paccuddharana).

Vinaya Terms - Từ điển các thuật ngữ về Luật (do tỳ khưu Giác Nguyên sưu tầm)


Làm Chủ Cảm Thọ | | Mì Gói

Vu Lan | | Hai Đồng Tiền Vàng

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com