Buông và Nắm

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Buông và Nắm

Từ cái Vô minh trong bốn đế nó dẫn đến sáu khuynh hướng: dục, nộ, độn, đãng, mộ, ngộ tánh. Rồi từ sáu khuynh hướng nó dẫn đến cách sống ác và cách tu thiện.

Sống ác là sao? Cùng là hai người bất thiện không biết tu hành gì hết, nhưng một kẻ là luôn luôn sống trong cái sự bất mãn (sân, si, bực bội, phiền phức); còn một kẻ thì luôn sống trong cái sự đam mê, theo đuổi, kiếm tìm và tích lũy. Sống ác chỉ có hai loại đó thôi: một là luôn bất mãn, chống đối, không vừa lòng, sống ở đâu là mâu thuẩn manh động đó là một kiểu. Và sống ác kiểu thứ hai là thích tùm lum. Thích thu gom, thích tích luỹ, thích sở hữu thì cái đó cũng gọi là sống ác.

Qua tới sống thiện thì nó cũng gồm có hai hướng: thiện vào và thiện ra.

Thiện vào là cũng làm lành, cũng tại nhiều công đức nhưng mà mong cầu quả nhân thiên. Làm lành lánh dữ nhưng mà cầu quả nhân thiên, mong cho đời sau sống lâu đừng có yểu mệnh, cầu được khỏe mạnh đừng có bệnh, nhan sắc đừng có xấu, thông minh đừng có khờ, có tiếng tăm đừng vô danh. Sống thiện mà cầu cái đó thì gọi là hành thiện để đi vào. Còn cái hạng thứ hai là hành thiện để đi ra, có nghĩa là làm thiện hành thiện nhưng không phải để cầu quả tái sanh, để cầu quả nhân thiên, làm thiện không phải để cầu thứ công đức rẻ tiền.

Sẵn tui nói luôn, người ta nuôi bò không phải để lấy phân mà người ta nuôi bò để lấy thịt, da và sữa. Nhưng mà trong thời gian nuôi bò để lấy thịt da và sữa thì người ta có phân. Thì đối với một người hiểu đạo họ coi cái công đức nó chỉ là phân, mà cái chánh là mỗi lần họ làm công đức là họ tu tâm. Họ bố thí không phải để họ cầu giàu, mà họ bố thí để họ mài mòn cái lòng bủn xỉn, bố thí để lìa bỏ cái tâm sở hữu tham chấp, bố thí để mài mòn cái quan điểm "tôi" và "của tôi", bố thí để lìa bỏ thói quen cầm nắm và ôm giữ.

Đức Phật ngài dạy (1) có người bố thí để mà cầu công đức; (2) có người bố thí vì cái thói quen; (3) có người bố thí vì cái hoàn cảnh trước mắt: mình không cho thì coi nó kỳ; chỉ có hạng thứ tư (4) là bố thí để dạy cái tâm, để mài mòn phiền não. Bởi vì nhiều đời nhiều kiếp ta chỉ có thói quen là nhận vào và thu gom. Cho nên có nhiều cái đạo lý rất hay, rất sâu liên quan đến cái chuyện bố thí mà mình không có biết.

Sáng nay tui có nói rồi. Khi ta có ý nắm giữ thì cái ta có được chỉ trong bàn tay, khi ta có ý ôm giữ thì cái ta có được chỉ trong vòng tay. Và khi ta có lòng ôm và nắm thì đời sau sanh ra không có gì để nắm và ôm. Khi ta không có lòng nắm và ôm thì kiếp sau sanh ra tha hồ ôm và nắm.

Rồi một chuyện nữa, làm công đức bằng tâm vô lượng thì mới có quả vô lượng. Vô lượng có nghĩa là không có bị ràng buộc bởi cái ý cầu danh cầu lợi. Bố thí vì cái đối tượng kia, bố thí vì người nhận chứ không phải bố thí vì mình. Bố thí kiểu đó gọi là bố thí bằng tâm vô lượng. Còn bố thí mà muốn cho ra mà nhắm đến lợi ít cho riêng mình thì đời này hay kiếp khác thì cái đó chưa gọi là vô lượng. Bởi các vị có nghe chữ vô lượng tâm. Vô lượng tâm có nghĩa là tâm từ đối với vô lượng chúng sanh không phân biệt giới trí, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, chủng tộc, tôn giáo, huyết thống, nhân chủng... cái đó mới gọi là vô lượng. Bi vô lượng là bất nhẫn khi thấy cảnh chúng sanh sống trong quả xấu nhân xấu. Từ vô lượng là mong cho chúng sanh được nhân lành quả lành. Hỷ là vui khi thấy các chúng sanh sống trong nhân lành quả lành. Xả vô lượng tâm là giữ tâm bình thảng khi nghĩ về nghiệp riêng của mỗi người. Vô lượng là nhắm đến đối tượng không giới hạn. Khi ta làm công đức bằng tâm vô lượng thì công đức mới vô lượng. Khi ta không có lòng mong lợi ích nhỏ thì ta sẽ có lợi ích lớn.

Còn khi mà cứ lắc nhắc đó thì sao? Quí vị có nghe cái máu tiểu thương không? Tức là cái máu buôn bán nhỏ. Việt Nam mà nội cái ngành du lịch người ta dự kiến là khoảng ba ngàn năm nữa mình mới bằng mấy người xứ ngoài bởi vì cái máu tiểu thương. Người ta không mua là nắm áo kéo bắt mua - mà bán toàn đồ giả đồ độc không. Chưa hết. Cầm lên coi mà không mua nó chửi cho mà tắt bếp. Miễn sao nó bán được món quà đó, những cái món đồ tào lao, như trái ổi hay con khô mực nhỏ xíu, mà nó chèo kéo bán cho bằng được... Mà khi ta làm ăn với cái máu tiểu thương như vậy thì đời đời khó mà ngóc đầu lên lắm. Cho nên ở nước chậm tiến nó không có khái niệm thương hiệu. Ở Âu Mỹ là người a sẵn sàng chịu thua lỗ miễn là giữ uy tín, giữ cái thương hiệu. Bởi vì họ làm kinh tế bằng cái đầu của đại gia, dù hiện tại họ rất là nghèo, vốn liếng không bao nhiêu. Còn mình dầu là đại gia mà cái đầu vẫn tiểu thương, thì nó rẻ tiền lắm.

Tôi nói không phải để tui bài xích nhưng tôi đưa vô trong đạo cho bà con thấy. Đời hay đạo thì khi anh làm bằng cái mục đích rẻ tiền, tủn mủn, lắc nhắc thì cái hoạt động đó không lớn lên được. Tin tôi đi. Có những cái chùa dựng lên với mục đích ngồi đếm tiền lẻ đợi bà con đến cúng dường, theo tôi cái đó là lượm bạc cắc. Đó là những cái chùa theo quan niệm tiểu thương. Trong kinh Ước Nguyện - Trung Bộ, Phật dạy thế này: Nếu mình có muốn thành Phật giải thoát, muốn được danh, được lợi, được quyền lực, tiếng tăm, được nhan sắc... chuyện đầu tiên là phải sống đúng theo Bát Chánh Đạo trước. Cho nên nếu mà muốn dựng chùa thì cái chuyện đầu tiên cái chùa đó phải dạy pháp học và pháp hành. Pháp học là phải có học viện để đào tạo tăng ni, còn không nữa là phải có lớp dạy giáo lý cho Phật tử để mở mang cái đầu của họ. Khi mà họ có giáo lý rồi, đốt họ ta tro họ cũng là Phật tử. Còn cái thứ mà dựng chùa kiểu đầu tiểu thương là cất cái chùa có hai cái thùng to đùng để ngoài sân, năm ba tượng lộ thiên để người ta tới người ta cúng. Nhìn thì thấy cũng có lý đó nhưng mà những đại gia mà có cái đầu họ nhìn mấy cái đó họ thấy rẻ tiền lắm. Tui đang nói mấy cái chùa với mục đích kiếm tiền chứ không phải chùa thứ thiệt. Họ bước vô, họ thấy mình có học, có hành, có hoạt động văn hoá tôn giáo ngon lành thì tự nhiên họ mới phát cái tâm. Đằng này họ vô họ không thấy hoạt động gì hết thì... Có hiểu không? Cái đó gọi là máu tiểu thương.

Chuyện tu hành cũng vậy, chuyện đầu tiên là nếu anh bố thí, trì giới, nghe pháp, phục vụ, tu hành các cái thứ hạnh lành công đức mà với mục đích rẻ tiền là cầu danh, cầu lợi thì cái quả rất là nhỏ. Thay vào đó tu tập bằng nội tâm cởi mở không biên giới thì công đức sẽ là vô lượng. Tôi nói rất nhiều lần tu hành theo kiểu thả chim và thả diều. Ai tu mà nhớ rằng việc làm xong lòng không bận tới nữa - đó là tu kiểu thả chim. Tu kiểu thả diều là nói thả nhưng mà còn sợi dây kéo tới kéo lui. Con diều bay cũng không bay cao bởi vì độ cao của con diều còn tuỳ thuộc vào độ dài của sợi dây. Hiểu không? Có người làm phước cầu quả gần, có người làm phước cầu quả xa. Cầu quả nào đi nữa vẫn còn nằm trong cái sự chấp thủ. Nói vậy không có nghĩa là ta không tin nghiệp báo. Ta tin chứ. Ta biết là bố thí sẽ được cái gì cái gì, trì giới sẽ được cái gì cái gì. Chúng ta biết nhưng mà đừng bận tâm trong cái đó. Giống như người ta nuôi bò nuôi gia súc không phải nuôi để lấy phân, mà nuôi để lấy da lấy thịt và lấy sữa, còn cái phân không cần nghĩ nó cũng có.

Trên đời chỉ có con Tỳ hưu của Tàu có ăn là không có ra thôi. Và trong mạng có người họ ghét mấy ông Sư quá họ kêu là mấy con Tỳ Hưu. Mấy ông Sư có thói quen rất là đáng tiếc như là tiền lệ. Hễ gặp Phật tử chỉ nghĩ mình sẽ nhận. Mà nếu vị Sư có suy nghĩ như vậy thì cả đời sẽ nghĩ mình là đối tượng nhận mà lại quên chuyện mình phải cho.

Tôi từng kể câu chuyện âm phủ bà con còn nhớ không? Hai đứa bị đoạ xuống âm phủ, Viêm dương mới nói: "Có hai sự lựa chọn cho kiếp tới: hoặc suốt đời là người nhận hoặc suốt đời là người cho. Hai đứa lựa cái nào?" Đứa thứ nhất nói con muốn làm người nhận, thằng thứ hai nói con muốn làm người cho. Diêm vương nói: Đứa nào muốn làm người nhận thì cho nó lên làm ăn mày, suốt đời chỉ nhận thôi. Còn đứa kia muốn cho thì cho nó làm nhà giàu." Cái câu chuyện đó sâu lắm, hiểu không? Chưa hết cái này mới lạnh sương sống nè, chuẩn bị lấy mềm quấn đi. Phật nói trong tâm chúng sanh, không cần chết rồi mới đọa, không cần chết rồi mới siêu. Phật nói ngay trong đời sống thường nhật mình sống bằng cái tâm của loài nào thì mình đã vào ngay cảnh giới của cái loài đó trước rồi, hiểu không? Nghe cái này mới teo nè: Cả đời mà cứ chầu chực, canh me, chờ đợi được cái này cái kia của người khác đó là sống kiểu Ngạ quỉ. Cả đời sẵn sàng sân si, gây gỗ, gây hấn, xung đột người này người kia làm cho ai cũng thấy ghét hết là sống như loài A Tu La. Cả đời sống lầm lũi, sống chui rút, khuất lấp thì đó là súc sanh. Cả đời sống buông xả, yêu thương vị tha, đó là Chư thiên. Cả đời sống thanh tịnh, không hưởng thụ, dốc lòng muốn bỏ bớt hết là cõi Phạm thiên.

Cho nên có chuyện một con Ngạ quỉ nó ở gần cốc của một vị Tỳ kheo đắc thiền. Tại sao nó bị thành cái loài này là bởi vì nó sống vắt chày ra nước, keo kiệt. Nó chết rồi nó mới làm loài Ngạ quỉ, nó đi vòng vòng, vòng vòng. Ngạ quỉ thì nó nhiều loại lắm, nhưng cái loại phổ biến nhất đó là quỉ đói. Khát nước ngàn năm nhưng khi nhìn vào nước thì nước không còn là nước. Có đứa nó rờ vô nước là nước hóa thành than, có đứa nó rờ vô nước thành lửa, có đứa nó vừa chạm tay vô là nước thành máu, có đứa nó rờ vô là nước đắng nghét mà sềnh sệt, miễn sao nó không uống được. Còn có đứa cái đầu nó chờ vờ mà cái cổ nó bằng cọng chỉ vậy đó, theo quí vị nó phải uống bao lâu mới hết khát? Thì cái con Ngạ quỉ này nó đói quanh năm vậy đó, lâu lắm. Tình cờ hôm đó ổng phát hiện, vì ổng đang ngồi thiền ổng thấy nó đứng kế bên ổng. Ổng nói muốn giúp gì? Nó nói con khát nước quá hà. Vị này nói sông đó suối đó sao không uống. Nó nói con chạm vô thì nó không còn là nước nữa. Vị này mới nói ngươi biết lý do tại sao không? Ngạ quỉ trả lời "Con không biết tại sao con sanh vào cái loài gì mà khổ dữ vậy." Thì vị này vị nói vắn tắt thôi

“Buông ra, buông hết, được hết. Cái gì cũng muốn nắm sẽ không được gì hết”

Câu này là mình phải học thuộc lòng đó. Từ tài sản cho đến tình cảm. Buông hết sẽ được hết. Còn cái gì cũng muốn nắm sẽ không được gì hết. Đúng ra mình đọc những câu này nó còn hay hơn mấy câu nam mô, đọc mấy câu mà nó chớt quớt.

Thì con ngạ quỉ nó nghe như vậy được một thời gian, cái lòng nó từ từ nó lại ngấm, nó ngấm bằng cách nào? Thí dụ hồi trước nó suốt ngày nó đi kiếm nước nó uống, ngủ không được nó cũng ráng nó đi kiếm đặng nó dòm. Còn bây giờ nó biết nó phải làm lành. Mà Ngạ quỉ thì đâu có biết làm lành nên nó làm lành bằng cách nào? Nó đi khiến. Ví dụ như nó biết cái cây cầu đó bước lên sẽ té, té xuống mương nguy hiểm thì nó giúp cho người ta té trên bờ trước để đừng bị té xuống mương. Nó làm cho người ta vấp để biết cây cầu này bị gãy. Hoặc là nó thấy người đói, người khát thì nó dục, nó khiến, nó hướng dẫn người ta đến cái chỗ nào đó có nước, có đồ ăn. Nó giúp nhiều cách lắm. Nếu nó biết mình đang khát nước thì nó sẽ khua động tàu lá hoặc tạo ra âm thanh để cho mình chú ý để nó giúp mình. Rồi đến một ngày kia khi mà cái nghiệp nó nhẹ rồi, nó có phước rồi thì vị Tỳ kheo đó mới nói với nó như thế này "Làm ngạ quỉ khổ thiệt, nhưng so với con người thì ngạ quỉ nó còn khá hơn nhiều lắm, con biết không?". Nó mới hỏi hơn chỗ nào. Vị Tỳ kheo nói: "Ngạ quỉ như con chỉ có khát nước thôi, còn loài người nó khát đủ thứ hết." Nó nghe như vậy xong nó siêu liền.

Có nghĩa là không đợi tới chết mới đoạ mà lúc mang thân người là đã đang đoạ rồi. Chỉ là chưa chính thức thôi. Chỉ cần tắt thở là đi đến cảnh giới đó ngay. Con người nó khát tình, khát tiền, khát danh, khát lợi, khát quyền lực... khát đủ thứ. Ngay cả khi biết đạo rồi cũng khát đủ thứ, hành thiền thì mong được cái này cái kia. Khát đủ thứ.

Trong khi, tôi nhắc lại một lần nữa. Đúng. Giải thoát là mục đích để chúng ta hướng tới, nhưng sẽ bậy vô cùng là ngồi thiền mà cứ mong đắc. Và tôi nói không biết là bao nhiêu lần. Có hai cách tu: tu để được cái gì, đắc cái gì và cái thứ hai là tu để bỏ cái này, bỏ cái kia. Thì cái kiểu tu để bỏ nó an toàn hơn. Vì chỉ khi tu với niệm ý là để bỏ thì con người rất là dễ thương; cái tay lúc nào cũng xoè ra hết. Còn tu mà để được thì tay lúc nào cũng nắm hết. Mà quí vị biết con khỉ khi mà nó muốn chuyền từ nhánh này sang nhánh khác việc đầu tiên là nó làm gì? Nó phải buông cái nhánh cũ nó mới qua được cái nhánh khác.

Trích bài giảng Vô minh - Hành trình giải thoát
Kalama xin tri ân bạn Nguyentonga2501 ghi chép

___________

* Tỳ Hưu là một linh vật theo thuyết phong thủy của Trung Hoa. Đầu như Kỳ Lân, có một sừng, thân của gấu, có cánh trên lưng. Tỳ Hưu một sừng là giống cực kỳ hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu quái, ma quỷ nên còn gọi là con Tịch Tà. Loại Tỳ Hưu hai sừng là loài chuyên hút vàng bạc, châu báu trong trời đất nên được cho là con vật giữ tài lộc hay còn gọi là Thiên Lộc. Tỳ Hưu có đặc điểm miệng to, ngực to, mông to nhưng không có hậu môn (chỉ để hút vào mà không làm mất đi cái gì). Nếu thỉnh một cặp Tỳ Hưu thì con cái là Tỳ, con đực là Hưu.


Đò Xuôi Sơn Hạ | | Lục Đại

Hai Đồng Tiền Vàng | | Dục Thiền Quán Tưởng

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com