Dục Thiền Quán Tưởng

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Dục Thiền Quán Tưởng

Tu thiền và thần thông thì chỉ thuần túy là sống trong tưởng, mà tưởng này cao hơn là tưởng dục. Dục tưởng thì chỉ cho ta quẩn quanh trong thế giới năm dục. Đây là mùi thức ăn, là nghệ thuật của xứ nào, ví dụ vậy. Nhưng mà lên thiền định thì cao hơn thì người ta bỏ đi mấy cái này mà chỉ tập trung tưởng vào các đề mục thiền định thôi. Đó là tưởng của thiền đáo đại. Tiếp theo tưởng thứ ba là tưởng trong Vipassana. Lúc đầu hành giả chỉ có thể biết ta đang đi, nằm, ngồi, biết là mỏi đau nhức thì đều là những khái niệm tục đế nên chỉ biết bằng tưởng. Hoặc khi quan sát tử thi xương người, thể trược, cũng đều là biết bằng tưởng. Theo thời gian thì từ saññā chuyển sang paññā. Biết đây là khổ thọ, lạc thọ, danh pháp, sắc pháp.

Cho nên Ngài mới dạy thế này:

  • Tất cả các loại tâm, loại tưởng đều do duyên mà sanh diệt, là câu thứ nhất.
  • Câu thứ hai: Do tâm ta có tu hay không mà tâm ta có loại tâm gì, tưởng gì.
Bài kinh này rất quan trọng. Ban đầu mình chỉ sống bằng saññā thôi, rồi từ từ mình chuyển sang paññā. Saññā cũng không phải thấp, mà saññā có 2 loại. Dục tuởng thì thấp thiệt. Nhưng cái tưởng rūpasaññā trong thiền thì là cao. Nó lìa khỏi dục tưởng và hành giả chỉ sống trong đề mục. Cảnh đề mục samatha thì ta hoàn toàn dùng saññā, còn ở vipassana thì lúc đầu là saññā , sau đó là paññā, là trí. Nhưng chúng ta cũng đừng nghĩ là paññā đều là giống nhau. Người tu vipassana có tưởng khác với tưởng của người tu samatha, và tưởng này cũng khác với dục tưởng của người hưởng dục không có thiền. Dục tưởng là nhìn bức tranh này biết nó là trừu tượng, lập thể của Tây Ban Nha, Ý, trường phái gì đó. Còn cái thứ hai là thiền samatha cũng là tưởng, lúc nào cũng tập trung vào đề mục như là đất, đất,... nước, nước,... lửa, lửa,... cái này cũng là tưởng, mà tưởng này là tưởng để đắc thiền. Có cái này phải định nghĩa cho rõ ràng:
Thần thông chỉ là sự phát huy tối đa khả năng làm việc của tưởng.
Câu này đáng giá. Có một câu chuyện vua Milinda hỏi ngài Nagasena rằng: Trẫm chưa hiểu lắm về thần thông. Làm sao một khối thịt mấy chục ký lại có thể bay được? Ngài ấy hỏi vua: Từ bé đến giờ có bao giờ thân hình đại vương lơ lửng trên hư không? Nhà vua đáp rằng có. Là lúc nhà vua nhảy lên thì trong khoảnh khắc ấy khoảng một nháy mắt thì có lơ lửng trên hư không. Ngài ấy mới hỏi rằng: Đại vương không có thần thông mà đại vương có thể lơ lửng trên không như vậy là do đại vương muốn thì ngài có thể làm được như vậy trong một thời gian rất ngắn. Tại sao ngắn? Là vì tâm của đại vương là tâm của người hưởng dục, nó yếu, cho nên chỉ duy trì thời gian rất ngắn nên chỉ lơ lửng trên hư không trong tích tắc. Còn người tu thiền thì vì tâm vị ấy quá mạnh, khả năng định lực quá kiên cố nên vị ấy có thể kéo dài thời gian lơ lửng trên hư không. Chỉ vậy thôi!

Mọi người cứ nhìn diễn viên xiếc đi trên dây thì biết. Tâm của người diễn viên đi trên dây, tay cầm cây sào, tâm họ đặc biệt hơn mình. Họ phải bình tĩnh, đủ giữ thăng bằng không bị rớt. Còn mình nhiều lắm thì chỉ đủ giữ bình tĩnh một chút thôi nên mình giữ thăng bằng không lâu, do đó không đi trên dây được. Còn người diễn viên xiếc kéo dài thời gian bình tĩnh nên có thể kéo dài thời gian giữ thăng bằng để có thể kéo dài thời gian đi trên sợi dây. Tâm mình nó nhát quá, hèn quá nên đi dây không được. Thiền định, thần thông y chang như vậy. Đó chỉ là sự kéo dài thời gian của tưởng một cách hoàn hảo. Vì người hưởng dục tâm của họ nó phóng dật, bị năm triền (tham dục, sân, trạo hối, hoài nghi, hôn thụy) chi phối. Còn người có thiền họ không bị năm triền chi phối nên họ giữ tâm thăng bằng thời gian lâu hơn mình. Sức mạnh của người đắc ngũ thiền nó dễ sợ lắm. Người đắc cận định là có thể ngồi 5 tiếng, 8 tiếng không tiêu tiểu ăn uống, đói khát, nóng lạnh. Sơ thiền họ có thể nhập định mấy ngày không ăn uống. Riêng vị đắc tứ thiền (ngũ thiền) thì sức định tâm họ cỡ nào.

Chính đức Phật xác định rằng một lần đó Ngài nhập thiền ở chòi lá ngoài ruộng, trời mưa giông, sấm chớp đánh chết mấy con bò thêm hai người nông phu, sát chòi mà Ngài hoàn toàn không nghe và Ngài xác nhận rằng lúc đó Như Lai hoàn toàn tỉnh thức, không mê ngủ, không hôn mê bất tỉnh, xin xem kinh Đại Bát Niết Bàn - Trường Bộ Kinh. Lúc đó Ngài hoàn toàn tỉnh thức nhưng tâm Ngài tập trung vào một cảnh, ví dụ như hơi thở ra vào. Do quá gắn chặt vào cảnh cho nên hoàn toàn không biết chuyện khác.

Thêm 1 câu chuyện minh họa, 2 thầy trò đi ăn trộm, bị người ta phát giác nên chạy trốn. Anh học trò túng quá nhảy vào bụi tre gai trốn. Khi thấy yên rồi ông thầy mới quay lại tìm, thấy học trò mắc kẹt trong bụi tre không ra được. Thầy nói: Mày vô bụi tre bằng tâm nào thì ra bằng tâm đó. Rồi ông thầy la làng lên: Bớ người ta thằng ăn trộm!

Khi thầy la lên như vậy thì ông học trò ăn trộm làm cái "ót" ra ngoài luôn, không đau đớn gì hết, chỉ có trầy trụa chút đỉnh. Khi về trò trách sao thầy ác, thì thầy giải thích rằng phải làm như vậy thì trò mới thoát ra được.

Thiền cũng vậy, khi mình sống trong năm cảnh dục thì nó yếu đuối muội lược, như tâm con nít, tâm người khùng, người bệnh. Khi tu thiền thì mình bỏ hết mọi vướng víu của tham dục, sân độc, không còn thích ghét, buồn ngủ, vì mình đã đắc thiền rồi. Lúc đó mình chỉ tập trung cảnh đề mục. Đất là đất, nước là nước. Khi mình đắc thiền đề mục nước chẳng hạn, muốn độn thổ chỉ cần nghĩ "Nước!" thì mặt đất thành mặt nước, mình lặn xuống mất tiêu. Nếu muốn xuyên tường, vách, núi, chỉ cần niệm đề mục hư không. Thì lúc đó không còn cái gì ngăn ngại nữa hết. Còn muốn đi trên hư không, trên nước thì niệm đề mục đất. Niệm đề mục gió thì có thể di chuyển hoặc tạo ra giông tố. Niệm đề mục lửa thì có thể tạo ra khói, lửa, có thể đốt cái gì đó như ý của mình, không có gì ngăn cản.

Mà ở đây hoàn toàn là tưởng thôi quý vị. Cho nên tu thiền samatha là phát huy tận cùng khả năng của tưởng, vì hiện thần thông chỉ là phát huy tối đa khả năng của tưởng. Còn thiền vipassana là mình phát huy khả năng của tuệ, của trí. Ở đây bài kinh này giảng trở lại kinh Sa Môn Quả. Nội dung tu hành ở đây là kinh Sa Môn Quả. Do có tu hay không mà tâm mình là loại tâm nào.

Ông (Potthapāda) hỏi cho dứt sự hoang mang mà ông đang có: Vậy cái "tôi" thực ra có hay không? Và thuộc danh hay sắc? Vật chất hay tinh thần? Thế giới này là vô biên hay có giới hạn? Vị Arahant tịch rồi tì về đâu? Cái "tôi" với cái xác này là một hay khác?

Phật dạy rằng cứ tu tập như ta giảng, khi hiểu được vạn vật chỉ là danh sắc, danh sắc do duyên tạo, có mặt theo cách lắp ráp. Có rồi phải mất thì sẽ không còn những thắc mắc đó nữa.

Quý vị tưởng tượng trước nhà quý vị có một miếng cỏ, miếng đất rậm rạp nhiều cây cỏ. Có bao giờ quý vị thắc mắc rằng trong miếng đất có bao nhiêu kiến, trùng, cọng cỏ, bông hoa li ti hay không? Tôi nghĩ rằng không. Vì cái sự biết ấy nếu có cũng không có giá trị gì hết. Cỏ chỉ là cỏ, kiến chỉ là kiến thôi. Mình thắc mắc về điều gì đó là vì mình nghĩ nó quan trọng, nó lớn chuyện, còn khi mình biết rốt ráo đó chỉ là mấy con trùng, sâu kiến, lá cỏ héo. tươi, không có gì đáng để bận tâm. Khi còn thắc mắc về các điều đó là còn đang đặt vấn đề, đang rất nặng lòng với danh sắc này. Còn thấy danh sắc này là cái gì đó rất là ghê gớm, còn coi trọng những gì đang nghe, ngửi, nếm, đụng, thì mới còn thắc mắc. Còn khi thấy mọi thứ tồn tại theo quy luật nhân duyên, nhân quả, lắp ráp, trong thời gian chớp nhoáng thì không hơi sức đâu mà đặt mấy câu hỏi rằng nó vô biên hay hữu biên, nó như thế nào. Thì cái biết đó không mắc mớ gì đến chuyện mình tu tập chấm dứt sanh tử này.

Nhiều nhà khoa học âu mỹ khi đọc đến đoạn này sẽ cảm thấy khó chịu, nói rằng đạo Phật chạy trốn câu trả lời. Lẽ ra câu trả lời thế giới vô biên hay hữu biên , tôi có thể trả lời ở đây được, nhưng tôi muốn để dành phần trả lời trong phần kinh Đại Duyên, chứ không phải Đức Phật chạy trốn, không có câu trả lời. Chỉ sợ quý vị không có răng hoặc răng giả nên ăn mía không nổi. Vì vấn đề này hơi cao, hơi khó hiểu. Tôi xin có một câu trả lời mềm thôi. Là khi anh hiểu anh là cái gì thì anh không còn bận tâm nặng lòng về những chuyện đó nữa.

Tiếp theo có một câu hỏi nữa: Potthapāda hỏi Phật về cứu cánh tu hành. Ngài dạy rằng muốn bỏ cái gì thì phải hiểu về nó. Muốn đạt được cái gì thì cũng phải hiểu về nó. Khi bết nó là cái gì thì mình mới chán mà buông chứ! Chứ nếu nói về tu hành anh biết về thế giới này được bao nhiêu mà anh chán? Bữa nay anh nói chán, ngày mai anh gặp cái khác nó ngọt ngào, hấp dẫn thì chắc gì anh chán? Nên muốn tu hành rốt ráo, đầu tiên anh phải học về giáo lý để anh biết thế giới này thật sự chỉ là cái gì. Muốn lìa bỏ cái gì mình phải biết rõ nó là cái gì thì mới lìa bỏ được. Về tu hành, mình phải biết tối thiểu. Nếu Nibbāna mình không biết là gì thì ít ra phải biết Nibbāna là sự vắng mặt của Tập đế. Vắng mặt Tập đế thì vắng mặt Khổ đế.

Ở đây Ngài nói rằng cứu cánh tu hành của ngoại đạo thì mơ hồ giống như làm cái cầu thang mà không ó căn nhà thì không biết cầu thang đó dẫn về đâu. Hoặc nói là muốn lấy vợ mà hỏi là người vợ đó ở đâu, người xứ nào, mình không biết thì làm sao mà lấy? Tôi thích nhất cái ví dụ cái thang. Giống như ngày nay tôi không xây cất nhà gì hết mà kêu thợ tới gắn cái thang máy . Mình đưa tiền thì họ vẫn tới đổ bê tông làm đà làm móng rồi họ đem thang máy tới gắn, nhưng khi gắn xong họ sẽ dòm mình họ nghĩ mình khùng. Ở đây cũng vậy, muốn hướng tới cứu cánh tu hành mình phải biết tại sao mình muốn tu hành, mình muốn lìa bỏ cái gì, sẽ đạt đến cái gì. Chứ còn cứ nói tu là sẽ bỏ cái này sẽ được cái kia mà mơ hồ là không được.

Ở đây Ngài dùng những cái ví dụ mà tôi gom chung lại giảng cho gọn. Ngài nói trên đời này, tất cả những chấp thủ của chúng sanh phàm phu về đường tu hành, về cứu cánh giải thoát, về danh sắc của bản thân mình, nói chung lại gồm có hai. Một là chấp thủ về danh sắc. Hai là về lối sống, lối hành trì và cứu cánh nào đó. Chỉ có vậy thôi. Và Phật Pháp có nội dung là chấm dứt những chấp thủ sai lạc đó. Lúc bấy giờ bên cạnh đức Phật và các du sỹ thì có một người tên là Cittahatthisariputta vốn là con trai của một ông nài voi. Ông này trước đây từng là Tỳ kheo thuộc lòng Tam Tạng. Trong một lần bắt gặp Ngài Mục Kiền Liên và ngài Mahakotthita đàm luận về Abhidhamma với nhau, ông này đã xen vào tranh luận. Thì dù là giỏi nhưng ông vẫn là người phàm, trong khi hai vị này thì một vị là Chí Thượng Thanh Văn, một vị là Đại Thanh Văn. Ngài Mục Kiền Liên là Đệ Nhất Thần Thông nhưng trí tuệ chỉ đứng sau Ngài Xá Lơi Phất, Ngài Xá Lợi Phất là đệ Nhất Trí Tuệ nhưng thần thông thì chỉ đứng sau ngài Mục Kiền Liên. Còn Ngài Mahakotthita là đệ nhất về Vô Ngại Giải. Nên khi vị Tỳ kheo còn phàm này xen vào như vậy thì ý kiến của vị này không ăn nhập với ý kiến của hai vị Thánh nên Ngài Mahakotthita mới góp ý. Vị này tự ái rồi hoàn tục. Rồi nhớ Phật bèn trở vào. Vào rồi lại tự ái chuyện khác lại hoàn tục. Tổng cộng 7 lần. Tại sao như vậy? Vì trong đời Phật Ca Diếp, vị Hatthi này là một vị Tỳ kheo có một huynh đệ thân thiết, cả hai tu hành trong sạch, giới luật tinh nghiêm, miên mật. Bữa đó ông Sư bạn muốn hoàn tục, vị Hatthi này mới can rằng về ở một mình thì về làm chi, còn về lấy vợ thì cuộc đời có biết bao việc để làm mà về hầu hạ trong một mái nhà chật hẹp tù túng như vậy. Vị kia nghe vậy mới đổi ý. Nhưng ngủ được một đêm, sáng ra vị kia lại đòi hoàn tục nữa. Thì vị này nhìn kỹ thấy vị kia có cái bình bát rất tốt, y cũng y tốt, có mấy món vật dụng cá nhân cũng tốt. Theo luật Tỳ kheo nguyên thủy không giữ đồ nhiều, chỉ có 8 món: y, bát, ống kim, vải, lược nước, tam y. Bệnh thì dùng dép. Cũng như hôm qua tôi giảng về bố thí , nhiều người hiểu rằng bố thí là để kiếp sau giàu có và hưởng, nghĩ vậy cũng giống như nuôi bò lấy phân. Mình bố thí là để kiếp sau mình có điều kiện tu cái khác. Do có phước bố thí thì đời sau sinh ra mình coi nhẹ vật chất. Như vậy là có phước lắm. Khi mình còn thích cái này cái kia, nó phiền lắm, không có thì muốn cho có, rồi phải đi kiếm tìm dùng trăm mưu ngàn kế, có rồi phải gìn giữ bảo quản ... khổ dữ lắm, kinh hoàng lắm. Khi mình thiếu phước vật chất thì thích tùm lum hết. Còn người có phước nhiều thì không cần giữ vì có niềm tự tin là cần thì sẽ có. Như người có nhan sắc họ không cần làm dáng làm điệu gì vì họ nghĩ để mặt mộc vẫn đẹp. Còn người trang điểm nhiều là do không tự tin.

Thì vị này thấy Sư bạn sáng ra lại đòi hoàn tục mới nhìn thấy y bát của vị này tốt quá, nếu vị này hoàn tục sẽ để lại cho mình, nên vị ấy nói xuôi theo: Tôi cũng nghĩ lại, duyên còn thì tu, ông ra làm cư sỹ mà làm phước cúng dường, cũng giữ giới, ngồi thiền y chang vậy, không khác gì, chỉ khác cái có tóc và không tóc, chứ đắp y đắp áo chi rồi già bệnh không ai lo, chưa chắc tu mà hơn người ngoài.

Cái tội của vị ấy nằm ở chỗ này: vị kia nghe vậy lại không muốn ra, bảo rằng càng nghe càng thấy đi tu sướng hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu vị Sư bạn là người dễ duôi tu hành không tinh tấn, cái tội xúi người ta hoàn tục nhẹ hơn. Còn vị Sư bạn là người trong sạch tinh tấn, mình lại xúi vị ấy đi ra, thì tội đó nặng. Nếu vị đó tu trong sạch mà mình xúi hoàn tục thành công thì tội nặng, còn xúi mà thất bại thì tội đó nhẹ hơn. Xúi người bê bối hoàn tục thì tội nhẹ hơn xúi người tu tinh tấn. Thứ hai, xúi thành công thì tội nặng hơn xúi không thành công. Cho nên tội vị này không nặng lắm nên trong thời gian Giáo Pháp còn thì vị này mang thân người đi tu thì cứ hoàn tục hoài.

Cho nên tôi nói nhiều lần: Có những việc mình tưởng nó là nhân, mà thật ra nó vẫn là nhân nhưng lại bị tác động bởi một nhân khác. Tiền nghiệp tạo ra quả đời này nhưng cũng có thể tác động lên nhân thiện ác đời này. Ví dụ như hồi đó tôi tu nhiều quá nên kiếp này thấy cảnh sanh già đau chết thì chán đi tu tiếp. Còn người không tu hành gì hết thì thấy sanh già bệnh chết cũng cứ tỉnh bơ, nghĩ đó bình thường. Chứng tỏ tiền nghiệp đời trước cho quả đời này, mà còn có thể tác động lên nhân thiện ác đời này. Còn cũng có trường hợp đời trước háo sát, thích giết, nên đời này gặp cảnh săn bắn hay câu cá là thấy nôn nào háo hức muốn tham gia.

Cho nên vị này 7 lần hoàn tục, do phiền não bản thân, nhưng cũng do tác động của tiền nghiệp quá khứ. Lần này, sau buổi gặp này, trong Pali nói là vài ba ngày sau, ông Potthapāda và ông Cittahatthisariputta tìm đến Đức Phật. Ông Potthapāda xin được quy y, còn vị Cittahatthi thì xin xuất gia với Phật. Lần này vị ấy đắc quả Arahant, không còn hoàn tục nữa.

Trích bài giảng Kinh Cha-Li-Da
Kalama xin tri ân bạn dieulienhoa67 ghi chép


Tu Trùm Mền | | Lượm Rác

Buông và Nắm | |

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com