sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Trí tuệ là biết rõ điều gì có thể thuận ứng với đạo Trời, thuận ứng với các điều kiện, điều đó có thể xảy ra hay không.

Tôi nói chỗ này hiểu sâu là vì tùy vào chỗ trí tuệ của phàm hay thánh, tùy vào khả năng văn – tư – tu của bản thân mà mỗi người có được khả năng này nhiều hay ít, sâu hay cạn, rộng hay hẹp.

Trong đây nói rõ là biết rõ cảnh sắc chỉ được gọi là cảnh sắc khi nó được tâm nhãn thức biết. Và cái biết của nhãn thức phải được y cứ trên thần kinh thị giác.

Tôi nhắc lại, toàn bộ vũ trụ này chỉ là 6 căn 6 trần. Mặt trời xa vậy cũng chỉ là cảnh trần, là đối tượng của mắt hoặc của ý thức. Tức nói về vật chất thì xa xôi như các tinh tú, thiên thể, mặt trời mặt trăng trong vũ trụ xa vậy mà vẫn tiếp tục là cảnh của nhãn thức hoặc ý thức. Vi tế trừu tượng như Niết bàn mà vẫn còn tiếp tục là cảnh của thánh tâm, thánh trí, vẫn là cảnh của ý thức thì nói gì đến những thứ còn lại. Có điều là trần cảnh chỉ được gọi là trần cảnh khi chúng được 6 thức biết. Và 6 thức ấy phải có điểm tựa như tôi đã nói nhiều lần.

Chú giải đơn cử cho biết, hành giả nói riêng và người học Phật tu Phật nói chung phải biết rõ cái gì hợp lý và không hợp lý. Thí dụ:

Cảnh sắc được gọi là cảnh sắc vì nó được nhãn thức biết. Cái biết đó của nhãn thức phải được dựa trên thần kinh thị giác.

Âm thanh được gọi là âm thanh chỉ vì nó được tâm nhĩ thức biết. Cái biết đó của nhĩ thức phải dựa vào thần kinh thính giác.

Đó là cái biết hợp lý. Còn ngoài trường hợp đó ra thì không có gì gọi là cảnh sắc, không có gì gọi là cảnh thinh. Nhĩ căn chỉ được gọi là nhĩ căn khi nó là điểm tựa cho tâm nhĩ thức biết cảnh thinh (âm thanh, tiếng động). Nhĩ thức chỉ được gọi là nhĩ thức vì đó là cái biết cảnh âm thanh. Tức là đối tượng của tai được gọi là cảnh thinh khi nào nó được tâm nhĩ thức biết. Còn ngoài ra thì nó không phải.

Tôi thí dụ, trước mặt tôi là cái chuông. Nếu tôi không chạm tay vào thì cái chuông chỉ là cảnh sắc. Tức là muốn có tiếng chuông thì tôi phải chạm vào để có âm thanh mình nghe.

Xin đọc lại bài thơ của Tô Đông Pha cực kỳ đắc địa và đắc dụng cho điều đang nói ở đây. Tô Đông Pha thấy người bạn chơi đàn mới hỏi: Xin hỏi âm thanh từ đâu mà có. Nếu nói tiếng đàn từ cây đàn thì tại sao khi không có ai chạm vào thì tiếng đàn không ra âm thanh. Nếu nói tiếng đàn trên ngón tay thì tại sao không có cây đàn thì bàn tay người không nảy ra âm thanh? Bài thơ đó rất là sâu. Tôi cho rằng đó là một trong số không nhiều bài thơ của thế gian đáng được xem là Kinh điển.

“Nhược ngôn cầm thượng hữu cầm thanh.

Phóng tại hạp trung hà bất minh?

Nhược ngôn thanh tại chỉ đầu thượng.

Hà bất vu quân chi thượng thinh?”

Dịch: Nếu nói trên cây đàn có âm thanh. Tại sao để trong hộp lại không ra tiếng. Nếu nói âm thanh trên đầu ngón tay. Thì tại sao không có trên đầu ngón tay.

Bài Kinh này sâu ở chỗ: một người tu Phật học Phật và chứng thánh luôn đủ sức biết rõ cái gì là CÁI CÓ THỂ và cái gì là CÁI KHÔNG THỂ.

Hành giả biết rõ cảnh sắc là cái gì, vì đâu được gọi là cảnh sắc, ngoài ra không thể gọi là cảnh sắc. Hành giả biết rõ cái gì là cảnh vị, ngoài đó ra không thể gọi là cảnh vị.

Hành giả biết rõ nhân thiện chỉ cho quả vui, nhân ác chỉ cho quả khổ. Biết rõ cái gì được gọi là nhãn căn, cái gì được gọi là nhĩ căn.

Bậc Sơ quả thấy được đại lược Tứ đế và Duyên khởi (ditthisampanno là đầy đủ tri kiến) thì biết rõ không gì trên đời này do duyên mà có mặt lại có thể vĩnh cửu bất hoại. Khả năng thiện xảo này rất sâu sắc và phức tạp tùy khả năng mỗi người mà có được bao nhiêu. Thí dụ ngài Xá Lợi Phất biết hơn Thinh Văn khác về những vấn đề đặc biệt của chư Phật.

Trong Chú giải Kinh Tự Hoan Hỷ nói rằng, chư Phật giống như biển lớn, tùy khả năng mỗi người mà mình đo được chiều sâu chiều rộng bao nhiêu. Mình đi bằng chân ra biển thì biết rằng khả năng mình không thể lặn tới đáy, không thể lội qua bờ biển được. Một người khác có chiếc xuồng nhỏ họ chèo ra xa hơn người lội thứ nhứt. Họ cũng biết xuồng này không thể qua bên kia biển được nhưng ít ra cũng ra xa hơn người lội bằng chân không. Người khác có thuyền lớn hơn, lớn hơn và lớn hơn nữa, có các phương tiện dò đáy biển thì hiểu biển sâu ít nhiều khác nhau.

Thì tùy vào khả năng mình mà mình hiểu được chư Phật tới đâu. Thí dụ có vô số chuyện mà nhiều vị đệ tử không biết. Chẳng hạn khi Đức Phật mới thành Đạo ngồi dưới gốc bồ đề thì có hai anh em đến cúng bánh cho Ngài. Ngài suy nghĩ liền ‘Chư Phật không bao giờ nhận thức ăn bằng tay không’. Cái biết đó cũng là biết rõ cái gì nên và không nên, cái gì có thể và không có thể. Được gọi là Như Lai vì đến đi giống hệt ba đời, và vị này luôn hành xử giống hệt vị kia. Có những trường hợp Ngài suy nghĩ là chư Phật quá khứ gặp trường hợp này sẽ làm sao. Trường hợp này cũng vậy. Khi hai anh em đem bánh tới cúng thì Ngài không có bình bát vì lúc tu khổ hạnh Ngài liệng bỏ bình bát rồi.

Các vị cũng nhớ chuyện, lúc nàng Sujata đến dâng cơm cho Ngài, Ngài mới đưa mắt nhìn Sujata mà không hỏi, ngụ ý là bây giờ ta không có gì đựng đồ ăn hết thì sẽ làm sao đây. Nàng Sujata hiểu và nói ‘Dạ không, con cúng luôn cái mâm này luôn’. Trong Kinh nói rõ cái mâm này bằng vàng. Ngài nghe vậy, khi dùng xong thì Ngài cầm cái mâm đi xuống dòng sông Ngài nghĩ: “Nếu kiếp này đúng là ta thành Phật thì xin cho cái mâm này đừng bị chìm mà hãy trôi ngược dòng”. Trong Kinh nói Ngài thả cái mâm vàng xuống, nó nặng vậy mà đã không chìm, còn trôi ngược dòng nước 80 hắc tay. (Tính Ngài cao 1m8, 1 hắc tay là từ đầu ngón giữa ra tới cùi chỏ) thì tầm khoảng mấy thước. Sau đêm đó ngài thành Phật. Ngài tiếp tục trải qua 49 ngày không ăn uống gì (7 tuần). Hết 7 tuần thì ngài gặp hai anh em cúng cho Ngài mâm bánh bằng bột (thức ăn họ mang đi đường). Lúc họ cúng thì ngài suy nghĩ chư Phật không bao giờ nhận thức ăn bằng tay không. Khi ngài nghĩ vậy, Tứ Thiên Vương theo dõi ngài mấy ngày nay họ xuống mới cúng mỗi người cho ngài một cái bát. Ngài không muốn ai buồn, nên ngài lấy 4 cái bát chồng lên nhau và chỉ nói một câu ‘thành một đi’. 4 cái bát liền thành một, 4 ông Tứ Thiên Vương ai cũng vui vẻ hết. Trong Kinh nói rõ bình bát đó bằng đá xanh ngọc, ngài dùng đến suốt đời.

Chữ ‘Như Lai’ có nghĩa chư Phật đều đến đi giống nhau. Đến nhờ ba la mật đại trí đại bi đại dũng, đại nguyện đại hạnh mà thành Phật giống nhau. Thành rồi thì 32 tướng tốt, 80 tướng phụ giống nhau. Và những chi tiết đặc biệt nhận lời giáng sinh, rồi giáng sanh, thành Đạo, Niết bàn … những chi tiết lớn trong cuộc đời đều giống nhau. Tuy chuyện đời mỗi vị không giống nhau nhưng lối hành xử y hệt như nhau. Có nghĩa trong hoàn cảnh đó Phật Thích Ca làm như thế nào thì Phật Di Lặc sau này cũng sẽ y chang vậy nếu trong hoàn cảnh y hệt vậy. Dĩ nhiên ‘y hệt’ đây có nghĩa là cũng dựa vào chuyện trước mắt. Chớ không phải y hệt là photocopy một bản chia nhau xài, không phải vậy! Giống đây là giống kiểu chung chung, tinh thần, chớ không phải giống từng chi tiết.

Cho nên ‘Thiện xảo về xứ’ thì ‘xứ’ đây có nghĩa là chuyện đó có thể hay không. Chữ ‘thama’ = xứ = hợp lý. Biết hợp lý là:

1- Một là cái biết hợp lý về 6 trần: người tu Phật biết rõ thế giới này chỉ là 6 căn 6 trần. Mà 6 căn chỉ là 6 căn khi dựa vào 6 trần và 6 thức. Và 6 thức chỉ được gọi là 6 thức khi dựa vào 6 căn và 6 trần. Ba cái này (6 căn, 6 trần, 6 thức) quy định lẫn nhau. Tức mỗi con số 6 này được quy định bởi hai con 6 kia, ngoài ra không có gì nữa.

Tại sao trong Kinh nhấn mạnh chỗ này? Vì muốn cho mình thấy toàn bộ thế giới chỉ nằm trong con số 12 thôi, mà nói rộng ra là 18. Nhưng nói hẹp không cần nói 3 số 6. Nói gọn chỉ nói hai (số 6) cũng đủ. 12 đó là 6 thức và 6 trần.

Luôn luôn nhớ rõ như vậy: cảnh sắc là gì, cảnh thinh là gì => Toàn bộ thế giới chỉ là 6 thức + 6 trần.

2- Cái biết hợp lý thứ hai là những người trừ được thân kiến thì họ hoàn toàn không có nghi hoặc về Tam Bảo, về Tam tướng, về lý nhân quả. Vì họ hiểu đại lược về Tứ đế và Duyên khởi. Họ không bao giờ còn tà kiến, cho rằng có cái gì đó bền vững trên đời. Vị Sơ quả luôn biết rõ nhân lành cho quả vui, nhân ác cho quả khổ.

Hai khả năng thiện xảo này ở Độc Giác cao và sâu rộng hơn thinh Văn. Ở Toàn giác thì cao và sâu rộng hơn Độc Giác.Ở Thinh Văn thì ai tu ba la mật lâu hơn thì hai khả năng này cũng sẽ sâu rộng hơn (Biết rõ cái gì hợp lý và không hợp lý).

Trích bài giảng Kinh Phúng Tụng
Kalama xin tri ân bạn buithibuukim ghi chép


Con Rùa Mù | | Luân Hồi

Dục Thiền Quán Tưởng | | Dựa

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com