Cồn Ngã Mạn

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Cồn Ngã Mạn

Trí có 3 loại là trí văn, trí tư, trí tu.

Trí văn là cái mình nghe nhiều, học nhiều, nhớ nhiều.

Căn cứ trên nền tảng những cái đã nghe, đã học, mình lại có những lúc mình ngẫm lại dựa trên cái nghe, cái học đó mới thật sự là trí tư.

Chưa hết, từ trí tư đó mình nghĩ như thế nào đó để phiền não của mình giảm đi, đó mới là trí tu.

Học cho nhiều, mới trí văn. Biết làm thế nào đó để cái trí vượt ra khỏi sách vở là trí tư. Học thế nào đó mà càng học phiền não càng giảm thì đó là trí tu. Hễ học cho nhiều mà phiền não y nguyên, đó không phải trí tu. Đó là những cách định nghĩa gọn nhất, dễ nhớ nhất, ai định nghĩa sao cũng được, mình chỉ cần nhớ chừng đó. Học pháp cách hiểu của mình thế nào cũng được, mà càng hiểu phiền não càng mòn đi là okay.

Ngã mạn mòn đi, tà kiến mòn đi, tham mòn, sân mòn, si mòn đó là trí tu.

Càng học, hiểu nhiều hơn hay không không biết, mà ngã mạn càng trồi lên một cục là học lộn rồi. Tự mình phải biết liền. Phần đó giống như chiếc thuyền đang đi trên dòng nước, thấy nó vướng là biết mắc kẹt. Tâm hồn đang xuôi dòng biển cả, hướng về đại dương giải thoát, đang đi tự nhiên khựng cái là biết nó có cục ngã mạn đang trồi lên phía trước. Đức phật dùng hình ảnh đó rất chính xác.

Đức Phật nói chiếc thuyền đang đi trên biển mà đứng lại vì gặp một cái cồn. Hồi đó bên Việt Nam, cái này phải về quê mới biết, từ chùa Siêu Lý qua cồn Phụng có nguyên vùng sông mênh mông, bờ này không thấy bờ kia. Thì mình thấy ghe đang đi băng băng trên đó thì bất chợt họ đánh một cái vòng qua bên này, đánh vòng chữ U đó. Tui mới hỏi họ vì sao. Thì họ nói: Sư có biết không, hồi nãy mà đi thẳng thì mình bị vướng trên cồn đó, chỗ đó Sư có thể đi xuống, nước mới tới đầu gối Sư thôi. Cái chỗ mà họ nói rằng là nước cạn chỉ tới đầu gối đó là nó lớn phải bằng từ đây ra chỗ ngoài xe chạy. Mà các vị biết nó mênh mông như vậy mà họ nói chỉ cần không quẹo ra, mà đi thẳng nữa là sẽ kẹt, mà bước xuống thì nước chỉ tới đầu gối. Trong kinh cái cồn đó gọi là ngã mạn. Tâm mình đang đi ngon trớn tới đó, tự nhiên có cục ngã mạn trồi lên, là vướng thôi.

Nhưng có điều như vầy. Có những cái nó có như là những phiền não là không tốt. Nhưng có những cái nó có để cho mình tiến bộ. Có những cái nó có để cho mình bị lùi sụt. Mà đã nói đến thánh thì cái nào cũng phải bỏ hết.

Ngã mạn nó có 3: so bằng, so hơn và so thua. Ba cái này nhân ba nữa, thành ra 9. Mình bằng mà mình nghĩ rằng mình hơn, mình bằng người ta mà nghĩ là mình thua, mình bằng người ta mà mình nghĩ là mình bằng. Đó là ba. Rồi tiếp theo, mình hơn mà mình nghĩ mình thua, mình hơn mà mình nghĩ mình bằng, mình hơn mà mình nghĩ mình hơn. Ba cái nữa là 6. Mình thua, mà nghĩ bằng, nghĩ hơn, nghĩ thua. Ba này nữa là 9.

Cho nên khi các vị nghĩ "Phật pháp mình có bằng cô kia không ta?" là ngã mạn nữa. Nhưng có một điều; mình suy nghĩ để mình ráng học nữa. Cái đó cũng phiền não đó nhưng nó như loại lưỡi dao dùng để mổ. Còn cái mình so rồi mình khoái chí và mình không đi nữa thì nó cũng là con dao để mình tự sát. Cũng là con dao đó thôi, nhưng cách xài phải khác nhau chứ. Các vị nghe kịp không?

Cho nên Phật pháp rất thú vị. Mình học vi diệu pháp rồi một mặt đi học phật pháp, một mặt nghe giảng. Khi về cái tâm mình vui lắm.

Trích bài giảng Cảnh khổ địa ngục
Kalama xin tri ân bạn 77july2015 ghi chép


Tu Trùm Mền | | Anatta

Dựa | | Chết Đuối

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com