Chết Đuối

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Chết Đuối

Có bốn hạng người:

Hạng thứ nhứt, có học mà không hành.
Hạng thứ hai, có hành mà làm biếng học.
Hạng thứ ba, vừa có học, vừa có hành.
Hạng thứ tư, là cả hai đều không có.

Vậy thì tối thiểu mình không có hành nhưng mình có học nó cũng còn đỡ. Tức là tuy mình không có tu nhưng mà mình bày cho thằng khác nó tu thì cũng còn đỡ. Còn đứa không có học là chết cả hai đứa. Hai đứa ôm nhau chết chìm. Còn nếu mình học mà mình không có hành là ít ra mình cũng có cái phao liệng cho thằng khác rồi mình vẫy tay chào nhau. Mình chết đuối nhưng mình liệng cho thằng kia được cái phao.

Cái đứa mà nó không biết lội mà nó cũng không xài phao thì nó và thằng chơi chung với nó cũng chết đuối luôn. Các vị có biết một chuyện là người chết đuối thường hay nắm nhau, các vị biết chuyện đó không? Cho nên, dầu là đi cứu người thân, chuyện đầu tiên là dzộng vô mặt nó trước cái đã. Chứ để mà nó nắm, nó ôm là chết cả hai. Nếu muốn nắm là phải nắm một cách khôn ngoan. Mình phải dặn nó là bây giờ you nằm yên, you để tui làm sao tui làm, còn hai nữa là you chỉ vịn hờ, chứ you hoảng you ôm chặt tui là hai đứa "Chúa gọi cùng một lúc." Cho nên là, cứu người cũng là một nghệ thuật. Trong kinh nói, không hề có chuyện, một người đang ở trong đầm lầy lại có thể cứu được người khác. Bản thân mình phải có thành tựu gì đó thì mình mới cứu được người khác, hiểu không?

Vấn đề ở đây là phải học giáo lý. Học rồi bà con muốn hành thiển chỉ, thiền quán, samatha, vipassana gì đó thì là chuyện khác. Nhưng mà chuyện đầu tiên nhớ dùm tôi cài này: là phải học giáo lý.

Có người hỏi: "Sư ơi, sao con thấy con phận mỏng phước ít, trí con nó cạn, con buồn quá, không biết ngày xưa con có tu hay không mà học đạo con học rất là dở. Con nghe thầy giảng ba la mật mà con không biết con có ba la mật hay không?" Tui nhớ tui đã trả lời. Theo trong kinh là thế này: Mình không cần biết. Ba la mật của mình trong cái kiếp đó không quan trọng, mà cái quan trọng là mình testing (trải nghiệm). Testing bằng cách nào? Mình cố gắng mình học như có thể, mình cố gắng mình hành như có thể. Nếu ba la mật nó đủ thì tự nhiên có những cái thành tựu mà mình không có lường được, hiểu không? Chứ còn cái chuyện mình thắc mắc: "Con có đủ phước, con có đủ duyên đắc đạo đời này không?" thì cái chuyện đó không quan trọng, mà cái chuyện quan trọng nhất là "Tận nhân lực tri thiên mệnh" tức là làm hết sức mình đi, rồi cái phần còn lại tính sau.

Tây nó cũng có một câu là: "Trời chỉ cứu đứa nào biết tự cứu." Có còn nhớ cái chuyện một ông linh mục mùa nước lũ, nguyên đám giáo dân nó nói: "Cha ơi cha, cha lên thuyền đi cùng tụi con." Ổng nói: "Không, Chúa không có bỏ cha!" Một lát sau, cảnh sát đưa ca nô tới. Ổng cũng nói: "Không, Chúa không có bỏ cha!" Lát sau, nước ngang tới cổ thì có chiếc trực thăng tới, Ổng cũng nói: "Không, Chúa không có bỏ cha!" Và năm phút sau ổng về trời. Ổng trách Chúa vì sao Chúa không cứu con thì Chúa nói: "Chúa đã gởi giáo dân, cảnh sát và trực thăng tới, mà anh cứ không có biết lo, không có chịu đi." Câu chuyện nó hay vô cùng. Câu chuyện đó phải xăm lên trán. Câu chuyện nó rất là hay. Có nghĩa là ổng đã hiểu sai về Chúa, ổng tưởng Chúa trời là một bàn tay bằng vàng, sáng lòa từ trên đưa xuống rồi bồng ổng lên. Không phải. Mà Chúa hiển hiện trong mọi hình thức.

Phật pháp cũng vậy. Phật pháp bất ly thế gian pháp. Phật pháp không rời thế gian. Mình có thể thấy bóng dáng của Đức Phật ở bất cứ mọi nơi. Lời dạy của Đức Phật phảng phất và bàng bạc khắp nơi.

Trích bài giảng Giáo lý Duyên Khởi
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Nam Phương Thoại Đầu | | Pātheyya

Cồn Ngã Mạn | | Bá mật thệ

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com