Āhāra

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Āhāra

Đức Phật dạy người không học giáo lý, không tu tập tuệ quán, họ coi cái ăn là hưởng thụ. Ngay cả ngoài đời nó kêu là "tứ khoái", trong đó có cái ăn. Nhưng người biết đạo rồi thì hiểu như thế này: Ăn là chuyện bất đắc dĩ.

Giả định mình không ăn bằng miệng, không có mũi, không có lưỡi, chỉ bằng một cái lỗ rồi tới bữa nhồi nhét, thồn, dzọng vô trong đó cái này cái kia để mình sống, thì lúc đó mình mới thấy chuyện ăn là một cực hình. Tôi giả định đầu gối có cái lỗ, cái lỗ đó không có mũi, lưỡi, không nếm, không ngửi được. Mỗi ngày tới giờ mình nghe bao tử nó kỳ kỳ, mình mới lấy cái này cái kia, mình lấy cơm canh đồ chiên, đồ nướng, đồ chiên, đồ xào,... dồn vô cái lỗ đó. Xong mình lấy nước trà, lấy nước coca, lấy xá xị mình cũng đổ dồn vô cái lỗ đó, rồi xoài, măng cụt, sầu riêng, bánh cam,... nhét vô lỗ đó. Mà tôi nói trước: không có mũi, không có lưỡi nha, chỉ có cái lỗ thôi - thì lúc đó mình mới thấy ăn là cực hình. Nó gớm muốn chết mà phải nhét, phải dồn, phải dzọng vô trong cái lỗ đó. Nhưng mà nhờ mình có cái lưỡi, có cái mũi, và do tập khí Dục ái nhiều đời mình mới thích ăn, thích mùi này vị nọ, mình mới coi ăn là sự khoái lạc, sự hưởng thụ; (mình mới cho rằng:) nếu không có cái mâm này mình sống không có nổi; không có tô cơm này là mình không qua được 24 giờ tiếp theo.

Như vậy mình mới hiểu tại sao đức Phật dạy như thế này: Này các tỳ kheo, tỳ kheo khi thọ dụng thức ăn hãy tâm niệm ta đang ăn để sống, để tu học, ăn một cách bất đắc dĩ giống như người qua sa mạc buộc phải ăn thịt đứa con vậy.

Tôi biết trong đây nhiều người nghe cái này rất là shock. Nói cái gì ghê vậy, ăn thịt người đã thấy ghê rồi còn ăn thịt con mình nữa thì quá khủng khiếp. Mà chuyện đó có thật. Ngài kể giả định có cặp vợ chồng đi qua sa mạc đói rã rời. Hai vợ chồng bàn nhau, con không có đứa này tìm được đứa khác, mạng 2 người mình không giữ được thì mất hết; cuối cùng họ phải cắn răng làm thịt đứa con ăn để có sức mà vượt qua sa mạc.

Ở đây cũng vậy. Chỉ có người có học giáo lý, chỉ có người có thực tập hành trì, và thứ ba phải có duyên lành giải thoát, phải có chút Ba La Mật mới thấm chỗ này, mới thấm tại sao ăn nó quan trọng. Là bởi vì, nếu trong đời sống này, các vị hứa với tôi là chuyện ăn uống nó đơn giản, chỉ ăn để nuôi mạng tu học thôi, là tôi dám đảm bảo các vị an lạc 70% rồi. Tôi dám nói: Ăn mặc ở. Nếu không bị nhu cầu này nọ về nhà cửa, không bị nhu cầu về ăn, mặc, ở, chỉ cần các vị đơn giản hóa 3 cái này, dồn hết thời gian, công sức, tâm tư cho chánh niệm thì nghe vậy là tôi biết các vị ít nhất cũng được 70% an lạc. Tôi còn muốn nói tới 90%, nói cho đã là 90%. Còn nếu mình bị lệ thuộc 3 cái này thì không cách nào an lạc được.

Đương nhiên, trong room các vị có nhiều người không đồng ý. Các vị nói: Tui nè, tui nè tui ăn mặc đơn giản. Đừng nói như vậy. Chỉ khi có lòng ly dục, từ bỏ, quay lưng với những nhu cầu đó, chỉ giữ lại cái gì tối yếu, tối cần thì cái đó mới khác, cái đó mới đáng kể ở đây. Còn thứ "muốn không được" thì không nằm trong trường hợp này. Đừng nghe ba chớp ba nhoáng rồi nói: Ồ vậy mấy người nghèo xơ xác, đầu đường xó chợ là tu đúng! thì là sai. Phật tử Việt Nam có nhiều người cho rằng tu là phải ăn mặc cho tả tơi, rách rưới, mới đúng là tu thì tôi không đồng ý.

Trích bài giảng Kinh Chánh Kiến (2)
Kalama xin tri ân cô Diệu Hỷ ghi chép


Biết Thiếu | | Vì Sao Là Miến Diện?

Nhân Quả và Khổ | | Học Phật

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com