Chánh Kiến

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Chánh Kiến

Nếu mình nói chết rồi là hết, là trở về đất đá cây cỏ thì không có gì để nói. Nhưng giả định như mình thấy, sau cái chết còn cái gì đó, dầu mình không rõ lắm, nhưng mình cũng ngờ ngờ, lỡ nó có nữa thì sao? Nếu mình có cái ngờ ngợ như vậy thì trong kinh gọi đó là paralokavajjabhayadassavī có nghĩa là người biết ưu tư, biết trăn trở, người biết bận tâm chuyện đằng sau cái chết, paraloka là đời sau kiếp khác. Còn mình sống kiểu hiện sinh chỉ biết bây giờ, bất chấp thì không có gì để nói.

Đến với đạo Phật chuyện đầu tiên là anh phải có cái thao thức về thân phận, về kiếp đời nhân sinh của anh.

Theo trong kinh phải thấy nhận thức đầu tiên là Khổ Đế.

Chuyện đầu tiên phải thấy sự hiện hữu này của mình là một sự vô vị, tẻ nhạt, vô ích. Chẳng qua mình ham thích cái này cái kia mình thấy quan trọng chứ nói rốt ráo theo kinh thì: Do tiền nghiệp nào đó mà giờ mình phải có mặt ở một không gian, môi trường, một hoàn cảnh nào đó. Đó là do tiền nghiệp. Nhưng mà còn do khuynh hướng tâm lý nữa: Khi đã do tiền nghiệp đẩy vào môi trường đó, điều kiện sống đó, không gian sinh hoạt nhưng khuynh hướng tâm lý là mình thích cái gì, mình ghét cái gì, mình quan tâm cái gì, mình thờ ơ, mình hờ hững với cái gì... Thì chính khuynh hướng tâm lý đó cộng với tiền nghiệp, cộng với môi trường sống gồm nơi chốn mình ở, gồm những người mình thường xuyên gặp gỡ. Ba cái này cộng lại nó mới khiến mình thích cái này, ghét cái kia. Mà hễ mình thích cái gì ghét cái gì thì mình thấy cái đó quan trọng, thấy cái mình cần theo đuổi là quan trọng, cái mình cần trốn chạy cũng là cái quan trọng. Và từ đó thang giá trị nhân sinh mình khác đi.

Mình thấy rõ ràng, có người lưu tâm ăn ngon mặc đẹp, có những người lưu tâm chuyện ưu thời vận thế, chính trị, xã hội, có người họ lưu tâm vấn đề tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng. Rõ ràng đó. Một cha một mẹ, anh em một dòng máu, một huyết thống mà mình có điểm ưu tư, điểm nặng lòng khác nhau.

Đây cũng vậy. Nhận thức đúng đắn rất quan trọng. Bởi vì, nếu không có nhận thức đúng đắn thì tất cả chúng ta giống nhau ở một mẫu số chung: Sanh đâu chết dí, chết bẹp ở đó.

Tức là mình làm con ruồi thì mình tập trung vô đống rác, vô mấy vật dơ. Còn mình làm người Châu Á mình có những ưu tư của người Châu Á, người Âu Mỹ mình có ưu tư Âu Mỹ, mình có cái thích cái ghét để mà suốt một đời mình trốn chạy và theo đuổi. Rồi mình tưởng đó là hay, thật ra mình không khác con ruồi chút nào hết. Nó mang thân phận con ruồi với những đặc điểm sinh hoạt và đặc trưng sinh học nhưng nó có thích cái ghét y như mình. Nếu mình sống chỉ để đói ăn, khát uống, giao phối, tự vệ có bao nhiêu đó thôi thì con thú cũng y chang như mình vậy. Nó cũng đói ăn khát uống, giao phối và tự vệ. Hết.

Cho nên, mình cần cái khác các loài kia là mình phải có nhận thức. Nhận thức đúng đắn khác nhận thức sai lầm. Nhận thức đúng đắn từ chuyên môn gọi là Chánh kiến - Right view. Chánh kiến là cái nhìn đúng đắn, nó là điều kiện tiên quyết bắt buộc phải có trong hành trình giải thoát. Nếu chúng ta thấy hình hài, thân phận này là cái gì đó cần bỏ lại, cần phải vượt qua thì giải thoát nó là cứu cánh. Mà Chánh kiến là một trong những điều kiện tiên quyết thực hiện hành trình đó, hành trình giải thoát. Chánh kiến là Nhận thức đúng đắn.

Trong Chú giải giải thích rõ ràng, không có nói mơ mơ hồ hồ như mình nghĩ.

Chánh kiến là gì? Có nhiều cách định nghĩa, trong bài kinh này Chánh kiến có 2 nghĩa:

  1. Kammassakatāñāṇa - Trí Nhân Quả.

    Biết rằng mình hoàn toàn chịu trách nhiệm những gì mình nói, làm, và suy tư. Dầu thiện hay ác, ít nhiều, nặng nhẹ, dầu khinh trọng, bất kể - miễn là những gì mà mình nói, làm, suy tư. Chỉ cần là một suy nghĩ thoáng qua thôi mình cũng phải chịu trách nhiệm tam nghiệp của mình. Nói, làm, suy nghĩ. Mình phải biết rõ chính mình là người kế thừa những hành động của mình chứ không ai hết. Cha mẹ để lại gia tài cho con cái. Còn chính mình sẽ để lại cho hậu thân, kiếp lai sinh của mình những gì mà mình đã nói, làm, suy tư trong kiếp này. Nhận thức đó gọi là Kammassakatāñāṇa - Trí nhân quả, trí tuệ trong nghiệp lý.

    Trí thứ nhất, hiểu rằng mình phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói, làm và tư duy chưa đủ, nó mới là trí về nghiệp lý, trí nhân quả thôi. Chánh kiến 2 mới quan trọng.

  2. Saccānulomikañāṇa - Nhận thức thuận ứng với tinh thần Tứ đế.

    (Sacca – Tứ Diệu Đế; Anuloma – Thuận ứng). Là sao? Nó gồm 4 nhận thức:

    1. Khổ đế: Mọi hiện hữu là khổ. Mọi hiện hữu là khổ, bất cứ sự hiện nào, dầu đó là sự hiện hữu của một vị Phật, hễ có mặt trên đời này từ tâm lý tới sinh học, hễ có mặt là khổ.

    2. Tập Đế: Nếu mọi thứ là khổ thì mình thích cái gì cũng là thích trong khổ, là đầu tư khổ mới.

    3. Diệt Đế: Muốn hết khổ phải buông, không thích trong khổ nữa, không thích nữa mới hết khổ.

    4. Đạo đế: Tổng hòa, tổng hợp cả 3 nhận thức trên: Biết rõ mọi thứ là khổ, biết rõ thích trong khổ là tạo ra khổ, muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa, 3 nhận thức này cộng lại là con đường thoát khổ, thường xuyên sống trong 3 nhận thức đó là con đường thoát khổ. Đủ duyên chứng thánh đời này, vô duyên gieo chủng tử giác ngộ cho đời sau.

Trích bài giảng Kinh Chánh Kiến (02.07.2023)
Kalama tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép.


Sợi Tóc Chẻ Bảy | | Vết Chai Tâm Thức

Về Nguồn | | Sáu Căn

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com