Sáu Căn

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Sáu Căn

Thử so những món đồ mình có với bản thân mình – đứa nào bền hơn đứa nào?

Đồng hồ Rolex chính hãng Thụy Sỹ, 100 năm sai lệch có 5 giây thôi. Mình thì sao? Mới hơn 30 tuổi, đồng hồ mình sai tùm lum hết: gan có vấn đề, phổi có vấn đề, bao tử có vấn đề. Nói riêng cái Rolex không thôi đó. Một trăm năm, nếu được bảo trì đàng hoàng đừng rơi rớt thì 100 năm lệch 5 giây thôi. Mình thì sao? Đồng hồ sinh học của mình đã sai giờ rồi, từ nhỏ đã sai rồi. Mình ráng mình sửa, vô dầu, chạy riết được 50-70 năm là khá rồi.

Rồi nhà cửa, tình cảm vợ chồng, con cái. Con cái mà nó có bồ bịch, bạn trai bạn gái thì nó coi cha mẹ chỉ là zero, mình chỉ là cái máy cho nó rút tiền thôi. Vợ chồng năm này tháng nọ chẳng qua chưa tiện bỏ nhau chứ cũng ngán tới cổ rồi. Nhiều thứ trục trặc lắm.

Cho nên, Ngài mới dạy rằng do không thấy mọi thứ như vậy cho nên người ta mới tìm cái này, kiếm cái kia để người ta vin, dựa, tỳ, tựa vào đó để mà sống. Giống như trẻ con mê đồ chơi. Ngài dạy ngày nào mình còn dùng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, còn dùng mấy cái này để đi tìm điểm tựa thì ngày đó mình chỉ chuốc khổ thôi. Tức là cứ còn tin vào 6 trần, tin vào 6 căn mà đi tìm, ngày nào còn dại khờ như vậy chỉ có khổ thôi.

Tiếp đó Ngài mới nói thế này: Thà mấy đồ bén nhọn chọt vô mắt, tai, mũi, lưỡi (chỗ này mình nghe nó kỳ, cực đoan, nhưng Ngài chỉ giả định thôi); thà mắt, tai, mũi, lưỡi, mình bị tra tấn, hành hạ, thì nó không để lại hậu quả khốc liệt đau khổ như là mình dùng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân để mà thưởng thức 5 trần. Mình nghe quá sức cực đoan đi, cái gì ghê vậy? Thà dùng vật bén nhọn để mà tra tấn, đày đọa làm tổn thương mắt, tai, mũi, lưỡi còn hơn dùng nó để hưởng thụ, thưởng thức trần cảnh. Nhưng mà Ngài nói xong Ngài có giải thích:

Bởi vì, chuyện tra tấn hành hạ bằng vật bén nhọn nó đau thiệt nhưng bản thân nó không có để lại hậu quả ghê gớm cho bằng dùng 6 căn này để hưởng thụ.

• Thích ăn ngon = gieo mầm bàng sanh.

• Thích nhìn cái đẹp, thích nghe âm thanh = gieo mầm sa đọa, bàng sanh, địa ngục.

Coi kỹ trong đó có câu kinh đó không. Nặng là địa ngục mà nhẹ là bàng sanh.

Nó có chuyện nghịch lý thế này.

5 dục, sắc, thinh, khí, vị, xúc đi tìm để hưởng là khó, mà có rồi khó giữ, mà giữ được rồi thì hễ hưởng thụ lại là tội. Đó là cái khổ luân hồi nằm trong chỗ đó. Tìm thì khó, có thì khó giữ, mà có được rồi hưởng thì có tội. Mình bố thí, mình giữ giới, mình sanh ra giàu, đẹp thì được nhưng mình có lòng đắm đuối, đê mê trong cái giàu, cái đẹp đó là mình bị đọa.

Ở đây các vị có biết cái chuyện này không? Tôi giảng trong room này nhiều bà con chưa quen Phật pháp nghe cái này sốc lắm. Đạo Phật sao buồn quá vậy? Tìm được lạc thú ở đời khó, tìm được rồi khó giữ, mà giữ được rồi, không được hưởng vì hưởng là có tội.

Vì sao? Vì hễ mình đam mê trong những thứ đó là chỉ có đi xuống thôi.

Mình chỉ có được quyền làm công đức. Làm thì được. Nhưng hưởng thụ quả báu công đức là đi xuống. Còn chuyện người ta hưởng thụ người ta đi lên là sao? Là người ta đã chia mấy chục phần trăm tu hành trong đó. Thí dụ, mình giàu mình được quyền ăn ngon, mặc đẹp, đúng, nhưng mấy chục phần trăm trong ngày là phải dành để sống thiện.

Sống thiện là sống sao? Biết nhàm chán thân xác, nhàm chán sanh tử, biết thương người, biết trắc ẩn, biết động lòng, trước nỗi đau, nỗi khổ người khác; phải có từ bi, chánh niệm, trí tuệ, thiền định, niềm tin, tàm, úy, trí tuệ, đa văn,... với cái này thì thỉnh thoảng mình được quyền hưởng thụ chút chút. Mà "quyền" ở đây không ai cho mình hết. Chữ "quyền" ở đây là nó không đủ nhấn chìm mình sau khi mình chết. Quyền có nghĩa là vậy đó. Chứ còn tất cả công đức của mình, nếu được chuyển vào tài khoản giải thoát: "Tất cả công đức nguyện là nhân lành giải thoát" thì OK! Nhưng nếu dại dột mà nguyện được cái này cái kia thì điều đó chứng minh mình chưa đủ sợ sanh tử.

Tôi nhắc lại lần nữa, chỉ riêng chuyện thích ăn ngon, mặc đẹp. Thích ăn ngon mà công đức không đủ đời sau sanh ra làm loài ăn tạp. Thích mặc đẹp mà không có công đức đủ đời sau sanh ra làm loài diêm dúa, lòe loẹt, sặc sỡ, ong bướm, sâu bọ. Có. Vào trong google, đánh dùm tui chữ “hoàng hậu Ubbari”, cả đời ăn rồi chỉ có chăm chút, săm soi nhan sắc, xong rồi xoay qua kêu người ta hầu hạ, sâm, yến tùm lum, dưỡng da, dưỡng nhan, cuối cùng chết làm con bọ hung. Cho nên, đây là lý do vì đâu Ngài dạy mình, thà là mấy giác quan này bị tàn phá, hủy hoại bởi vật bén nhọn, còn hơn dùng để hưởng thụ, thưởng thức trần cảnh.

Cuối cùng là cái thứ sáu. Đối với ý thức, làm sao hủy được? Ngài nói thà là mình ngủ, còn tốt hơn để cái đầu nó thức mà nó nghĩ tầm bậy tầm bạ, nó thích cái này, ghét cái kia.

Khi mình dùng 6 căn để đi tìm cái mình thích, trốn cái mình ghét thì chưa kể luân hồi, sanh tử, sa đọa, chỉ kể ngay hiện tại, khi mình dùng 6 căn để trốn khổ tìm vui, tìm cái thích, trốn cái ghét, là đa phần mình sẽ khổ. Là vì sao? Vì mấy ai toại nguyện? Mấy ai toại nguyện? Mấy ai trốn được cái mình ghét, mấy ai tìm được cái mình thích? Cho nên, chưa kể đời sau kiếp khác, chỉ riêng đời này là mình đã khổ rồi.

Trích bài giảng Kinh Hỏa Dụ (ngày 24/09/2023)
Kalama tri ân cô Diệu Hỷ ghi chép


Tu Trùm Mền | | Vô Ngã

Chánh Kiến | | Lokantarika

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com