5 cuộc Dấn thân

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

5 cuộc Dấn thân

Dấn thân là sao? Dấn thân là chấp nhận sự thật, sự khởi hành một cuộc đi.

Chúng ta có bao nhiêu cuộc dấn thân trong đời người?

1. Chuyện đầu tiên, biết lìa bỏ cái thân thuộc, thân quen, tìm về với cái lạ.

Ở đây người nào nhanh nhanh chắc hiểu tôi nói cái gì. Hồi nhỏ, 6 tuổi mình đi học. Trước 6 tuổi mình sợ xa mẹ, đúng không? Một đứa bé muốn trưởng thành bước đầu tiên phải có gan xa mẹ, đúng không? Mấy tuổi mình yêu được? Nữ thập tam, nam thập lục, trừ trường hợp đột biến. Có nghĩa là cuộc dấn thân đầu tiên là biết từ bỏ cái thân quen.

Lúc đầu trong bụng mẹ, chúng ta được mẹ nuôi dưỡng trực tiếp bằng cuống rún, sau đó ra khỏi bụng mẹ, bà mụ cắt cuống rún, có nghĩa là chúng ta hạn chế sự lệ thuộc với mẹ. Nhưng chúng ta còn sữa mẹ. Dần dần, chúng ta không còn lệ thuộc sữa mẹ nữa mà vui chơi, quanh quẩn bên cạnh mẹ, thêm chút nữa không cần cọ quẹt tay chân với mẹ nhưng trong mắt phải thấy mẹ, thấy ba má. Đến một tuổi nào đó, mình phải vào trường lớp quen với thầy, bạn. Từ từ mình phải đi học không cần thấy ba má vẫn đi học được. Từ từ chúng ta không còn cần ba má nữa cần nhìn thấy con nhỏ/ thằng nhỏ mình thương. Rồi chúng ta rời mái trường trung học, vào đại học, ra trường lập gia đình, kể từ đó chúng ta chính thức không còn cái gì là thân quen nữa. Cái thân quen của chúng ta lúc đầu là của huyết thống, máu mủ. Còn cái thân quen của chúng ta bây giờ là cái gì mình thấy thích, cái gì mình thấy cần. Thích và cần lúc đó mới là cái thân quen của mình. Chúng ta không lệ thuộc vào máu mủ như trước đây nữa.

Nhưng cuộc dấn thân đầu tiên của con người là cái gì? Biết rời bỏ cái thân quen, chấp nhận cái xa lạ. Để chi? Để trốn khổ tìm vui. Nguyên cuộc sống của chúng ta chỉ là hành trình trốn khổ tìm vui thôi. Mình đi tìm cái mình thích và trốn chạy cái mình ghét. Tôi dám bảo đảm 1000% toàn bộ đời sống chúng ta từ lúc lọt lòng mẹ tới lúc vào quan tài chỉ là hành trình trốn khổ tìm vui, theo đuổi cái mình thích, trốn chạy cái mình ghét.

Bỏ con người cũ của mình về với con người mới. Bỏ đi lối mòn. Đa phần chúng ta sống theo lối mòn, có đúng không?

* Lối mòn của dư luận: Thiên hạ vậy mình đi ngược lại kỳ;

*Lối mòn của bản thân: Hồi đó giờ quen vậy, bỏ không được.

Tự hỏi lòng mình đi. Mình sống toàn lối mòn không. Tuy mình bỏ quê cha đất tổ về trời xa xứ lạ, nhưng chúng ta vẫn mang theo phương trời cũ của mình.

Cho nên, bước đầu tiên là chúng ta có khả năng lìa bỏ cái thân quen, tiếp cận cái xa lạ. Nhưng vậy đủ trưởng thành chưa? Theo Phật pháp thì chưa.

2. Biết lìa bỏ cái thích để tập trung cho cái cần.

Bước thứ hai mới ghê. Tức là bắt đầu thấy dấu hiệu của trưởng thành.

Nếu sáng nay có người hỏi tôi, tu Phật là tu cái gì? Tôi sẽ nói: Tu Phật là phân biệt cái gì mình thích, cái gì mình cần.

Nói vậy có đủ không? Toàn bộ đời sống của chúng ta giá trị nằm ở chỗ chúng ta có khả năng phân biệt được cái mình thích và cái mình cần. Cái đó rất là khó.

Tôi hỏi bà con, bà con tự trả lời: trong đời sống quý vị, cái mình thích và cái mình cần cái nào nhiều? Cái thích và cái cần cái nào làm khổ mình nhiều hơn? Nếu như vậy thì đó là lý do tại sao mình khổ, có đúng không? Nó rất là toán.

Bước một, giữa cái ta thích và cái ta cần thì cái ta thích nhiều hơn cái ta cần. Thứ hai, cái ta thích làm ta khổ nhiều hơn cái ta cần. Như vậy suy ra, tại sao mình khổ nhiều hơn vui.

Nếu ai hỏi tại sao đời là biển khổ trả lời được chưa? Trả lời rất là dễ. Tôi nghe ông sư nói thế này: cái mình thích nhiều hơn cái mình cần, cái mình thích làm mình khổ hơn cái mình cần, thế nên đời là biển khổ. Qua được biển khổ là qua... đời. 😊

Có 4 trường hợp:

  1. Trên đời có những cái mình thích mà không cần

  2. Có những cái mình cần mà không thích

  3. Có những cái cần mà thích

  4. Có những cái không cần không thích.

Tự mình phân biệt được, phải không?

Cái gì không giúp được cho sức khỏe, đời sống, tinh thần, gia đình, chúng sinh thì cái đó gọi là cái thích mà không cần. Có những cái mình cần mà mình không thích. Có cái mình vừa thích vừa cần. Có những cái mình không cần cũng không thích.

Như vậy, cuộc dấn thân đầu tiên của đời người là lìa bỏ cái quen tìm đến cái lạ. Thứ hai là lìa bỏ cái thích, tìm đến cái cần.

3. Dấn thân trong Quả.

Là sao? Đời sống của tất cả chúng ta chỉ là hành trình của nguyên tắc Nhân – Quả. Những gì chúng ta thấy vui, sướng là quả lành của thiện quá khứ. Những gì chúng ta thấy buồn, khổ là quả xấu của quá khứ. Từ đó suy ra, cái thiện đời này là nhân vui đời sau; cái ác đời này là nhân cho cái khổ, đau đời sau.

Người không biết tu, khi gặp cái ngọt ngào thì gục mặt, cắm đầu trong đó, không có gan nhảy ra khỏi đam mê đó. Khi có tiền, có nhan sắc, có sức khỏe quên tu, có không? Quý vị trước mặt tôi mà tháng kiếm 30.000 đô-la sáng nay có mặt đây không? Tức là 10 ngày kiếm 10.000 thì bây giờ quý vị đâu dám vào đây nghe pháp. Thất niệm không bằng thất thu. Lương tâm không bằng lương thực.

Nhờ xấu, nghèo, bệnh, già, mới lết vô đây nghe pháp. Thử ngủ dậy, vươn vai thấy em nào em nấy chân dài như người mẫu, mở sổ thấy nhà băng có 50 tỷ, soi gương thấy mình là con nhỏ cực đẹp, trai đẹp quỳ đầy nhà chờ mình ban cho chút tình, có đi chùa không? Còn khuya. Khó lắm.

Cho nên, cái dấn thân thứ 3 là sự dấn thân trong Quả. Khi gặp quả lành không cắm đầu, gục mặt trong đó mà quên tu. Khi gặp quả khổ không nhòe nhoẹt nước mắt mà quên tu.

Có ai khổ quá quên tu không? Tôi rất thương là trời nóng mà quý vị vẫn đến đây nghe pháp đông. Đó là quý vị đang dấn thân bằng quả khổ. Có người nóng quá họ không muốn tu, không muốn nghe pháp nữa. Sướng quá không muốn tu, không muốn nghe pháp nữa. Phải không? Còn đằng này khi mình nhận quả lành hay quả khổ mình vẫn tu được thì đó gọi là dấn thân trong Quả.

Dấn thân trong Quả là không bị quả khổ, quả sướng làm chao đảo tâm tu.

Quả khổ, quả sướng đánh gục không biết bao nhiêu người. Có người sướng quá tu không được. Có người khổ quá tu không được. Có người trường hợp nào cũng tu không được. Có tên khổ tu không được mà sướng tu được. Có tên sướng tu được mà khổ tu không được. Có tên sướng khổ đều tu không được.

Dấn thân trong Quả là dù Đời có đắng ngọt cách mấy mình vẫn tu bình thường.

4. Dấn thân trong Nhân.

Là sao? Là có đủ cái gan, cái sáng suốt để nhận diện đây là thiện, đây là bất thiện.

Tôi nói cái này bà con sốc, nhưng không nói không được. Trong 100 người đi chùa có bao nhiêu người đi bằng tâm lành? Trong số người đi bằng tâm lành, thì 3 tiếng trong chùa bao nhiêu thời gian là tâm lành, bao nhiêu thời gian là tâm không lành.

Đừng tưởng bà đội đại y trên đầu là tâm lành. Chưa chắc. Toàn là kiêu mạn không. Kiêu mạn-đại thí chủ. Vô ngồi đây thấy bà đó mặc đẹp hơn mình là ganh tị rồi. Thấy bà đó thân quen với chư tăng nhiều là không vui rồi. Thấy sư trụ trì cho bả mấy xâu chuỗi không cho mình là thấy không vui rồi, vô thấy bả bạn bè nhiều là không vui rồi, gặp mình bả quên chào là thấy không vui rồi. Có trăm ngàn lý do mình bất thiện khi mình đi chùa. Và khi mình ngồi thiền, mình phải phân biệt rất rõ thời gian mình định tâm và thời gian buồn ngủ. Nhiều người tưởng mình ngồi thiền lâu. Nhưng tối nay về thử ngồi thử một tiếng trong đó bao nhiêu thời gian chánh niệm, bao nhiêu thời gian nghĩ lung tung.

Tại bất tại là thân ở đây mà tâm ở ta bà tám cõi. Trường hợp đó nhiều lắm.

Mình nấu ăn cũng phải học. Nhưng nấu ăn gồm toàn mấy thứ cụ thể: nuối, đường, gạo, nếp, rau trái, củ quả, cá, tôm, ... toàn thứ cụ thể mà mình phải học. Trong khi đó tâm nó vô hình vô tướng mà mình không học không biết nó ra sao thì thiền là thiền cái gì.

Chúng ta không có khả năng biết cái gì là thiện, bất thiện trong lòng mình. Không biết ganh tị mặt mũi ra sao, bủn xỉn, kiêu mạn, tà kiến, hoài nghi, phóng dật, hôn trầm, ... không biết mặt mũi mỗi cái ra sao.

Hôn trầm là gì? Có ai biết không? Ở đây có ai biết bủn xỉn là gì không?

Tôi hỏi các vị: Tôi là người cư sĩ, khi đi chùa tôi thấy bà đó tham quá nêntôi không thích chơi với bả nữa. Vậy đó là thiện hay bất thiện? Tôi ghét cái ác mà? Vẫn là bất thiện hả? Thấy không?

Khi mình bắt đầu nói xấu ai: "Tôi nói không phải nói,... (chứ bà đó thế này thế kia...)" là bắt đầu nói xấu bà đó không còn cái gì. Mình phải có cái gan thấy đó là bất thiện. Khi có ai bắt đầu cuộc phiếm luận thì mình phải có cái gan bỏ mà đi.

Chưa hết. Khi mở email ra phải có cái gan biết rằng mấy cái email này không cần thiết để đọc và xóa liền. Làm được chuyện đó không? Đây là email người ghét mình/thương mình, mình có gan không đọc không?

Mình phải có cái gan làm việc với cái Nhân của mình.

Dấn thân trong Quả là nó đắng, ngọt cách mấy mình vẫn sừng sững đi tới.

Dấn thân trong Nhân là mình phải có gan biết nó là bậy, không cần thiết. Mỗi ngày phải có cái gan biết rằng hồi xưa mình không tu thì để ý coi bữa nay mình khỏe hay bệnh, vui nhiều hay buồn nhiều. Tu thêm bước nữa thì nay mình thiện nhiều hay ác nhiều. Thêm bước nữa là coi lại coi, tự xét xem một ngày mình sống trong lý tưởng giải thoát được bao nhiêu phần trăm? Tập sao mà trời nóng, đau, khổ, buồn, giận, tê mỏi,... cũng nghĩ đến Niết Bàn. Mong không còn tái sanh, không chịu cái cảnh này nữa.

Mỗi lần đi tắm, tự nghĩ vì có cái thân này mới có nóng nực, dơ bẩn, tắm gội. Mỗi lần ăn cũng nhớ, vì có thân này nên mình phải thồn, nhét mấy đồ vô trong miệng, để rồi mai chiều tống nó ra. Người không học đạo thấy ăn là hạnh phúc. Có học đạo thấy miệng là thùng rác. Sáng tống vô chiều ra cửa khác. Biết cái đó không?

Tôi biết đề tài này bà con thấy khô, nhưng đó là một pháp tu. Phải tu ngay từ bây giờ để mai nằm giường bệnh nhớ bài giảng sáng nay, cảm ơn không kịp. Lúc đó tôi cũng đi trước rồi.

5. Biết nhìn thẳng vào bản chất vô nghĩa của sự hiện hữu để mà chối từ nó.

Có người hỏi tôi: Mạt pháp là sao? Tôi nhớ tôi trả lời nhiều lần như thế này: Thời Phật, khi Phật dạy thân này là vô nghĩa, vô dụng, người ta bỏ đi tu. Hôm nay Phật tử đi chùa, nghe đề tài này không thích.

Phật tử hôm nay đi chùa theo cách lụm ve chai. Thời Phật người ta đi chùa theo cách đổ rác: Thấy cái gì rác là bỏ.

Phật dạy cái này Vô thường, họ buông liền. Phật dạy cái này là Khổ, họ buông liền. Phật dạy cái này là phiền não, họ buông liền. Phật này cái này là nhân lành, quả lành nhưng nó Vô thường, Vô Ngã, họ bỏ liền. Phật dạy cái này là Quả lành, quả xấu, họ buông. Phật dạy cái này là nhân lành, nhân ác – họ buông. Cái gì vô ngã vô thường? Quả lành, Quả xấu, Nhân lành, Nhân xấu đều là vô ngã vô thường – họ nghe họ bỏ. Thời xưa, làm thiện mà không màng quả thiện.

Thời Phật người ta thiết tha nhân lành nhưng coi thường quả lành.

Người thời nay: Nhân lành biết tu, quả lành thì mê.

Nhân lành = Tất cả tâm thiện. Tất cả những gì nói, làm, suy nghĩ bằng tâm lành là Nhân lành.

Quả lành = Tất cả những gì ngọt ngào, vui sướng là Quả lành.

Nhân xấu = Tất cả những gì mình nói, làm, suy nghĩ bằng tâm xấu là Nhân xấu.

Quả xấu = Tất cả những gì làm mình đau đớn, buồn khổ là Quả xấu.

Bao nhiêu năm đi chùa không được học, toàn cúng dường không.

Phật pháp có nhiều giai đoạn:

• Giai đoạn 1: Thực chứng.

• Giai đoạn 2: Chỉ còn cầu phúc. Đa phần Phật tử hôm nay đi chùa chỉ cầu phúc. Ung thư đứa nào đứa nấy mặt xanh lét như đít nhái; mà hễ chưa bị thì yêu đời, mặt xấu hoắc ráng tin mình đẹp, gần chết mà ráng tin mình trăm tuổi, bệnh đầy người vẫn tưởng mình khỏe mạnh. Thời này có cái đó không? Quần là áo lụa mình phải tin mình đẹp mình mới quần là áo lụa, phấn son,... nếu mình không nghĩ mình sống lâu sao mình còn tà tà. Thu nhập khá hơn ngày trước tưởng mình giàu, thật ra nó sụm bà chè mấy hồi, mình có giàu bằng Năm Cam, Trương Mỹ Lan không? Muốn mất là nó mất. Mà không cần nó mất, chỉ cần bác sĩ nói ung thư một phát thì bao nhiêu bà Trương Mỹ Lan cũng bằng không.

Thời Chánh pháp và thời mạt pháp khác nhau chỗ nào? Thời Chánh pháp, người ta thiết tha tạo nhân lành mà không màng quả lành. Tránh nhân ác nhưng khi gặp quả ác vẫn thanh thản. Thời mạt pháp, không thiết tha nhân lành, chỉ thiết tha quả lành. Suốt ngày cắm đầu trong nhân xấu mà hễ gặp quả xấu thì run bắn lên.

(Trích Pháp Thoại 3 tại Chùa Siêu Lý ngày 15.05.2024)
Kalama tri ân cô Diệu Hỷ ghi chép.


Uttari ca patāreti | | Pháp Tài Lữ Địa

Niệm Giới | | Tản Mạn Tâm Tư

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com