sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
SurāmerayapānaGiới Tránh Uống Rượu
Thứ nhất, đời sống vốn nhiều bất trắc, với một cái đầu tỉnh táo là đã đối phó không thấu rồi. Thứ hai, khi mình nghiệp ngập say sưa là mình từ chối sự tỉnh táo minh mẫn, từ chối tất cả những điều tốt lành; vì tất cả điều tốt lành đều đến từ cái đầu tỉnh táo. Thứ ba, sự say sưa, mất tự chủ đời này sẽ làm cái nền cho một đầu óc không tỉnh táo, không minh mẫn đời sau kiếp khác.
Đừng trách tại sao có những người sinh ra khùng khùng, có những người trí nhớ kém, trí hiểu kém, nghe chuyện học hành là sợ lắm (tâm thần bẩm sinh không nói ở đây). Tôi không nói ẩu nhưng biết chắc tiền nghiệp họ loanh quanh đâu đấy. Kiếp xưa anh không trau dồi hoặc đã chối từ hoặc coi nhẹ nó, cho nên bây giờ sanh ra thiếu nó, nên mới không có khả năng tư duy, không có khả năng ghi nhớ, không có tinh thần hiếu học, cầu thị, cầu tiến. Phải do tiền duyên sao đó nó mới ra vậy.
Đương nhiên, cái gì cũng từ ba cái: Tiền nghiệp - Khuynh hướng tâm lý - Môi trường sống. Có khi có 2, có khi có 1. Đầu thai bằng tâm ly trí và hữu trợ thì mệt lắm. Hoặc sanh ra ở môi trường sinh sống, làm việc mà không có sự hỗ trợ của trí óc thì mệt lắm. Có những môi trường xung quanh không có sách báo, không có người thông tuệ, tối ngày gặp nhau là toàn tám chuyện tào lao. Tại sao có người không ở chỗ như vậy? Có người toàn ở chỗ minh sư thiện hữu? Còn có người muốn nghe lời khuyên đàng hoàng mà không có. Bà con vô mấy vùng sâu vùng xa, tôi không kỳ thị, chỉ nói khách quan, có những địa phương vô đó sách báo là chuyện xa vời, nói gì những người uyên bác, đừng hòng.
Ở Việt Nam, Sài gòn quy tập biết bao nhiêu nhân vật lớn về văn hóa: ông Phạm Công Thiện, Lê Mạnh Thát, ôn Tuệ Sỹ, ông Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Trần Văn Khê, những nhân vật lớn họ đều quy tập chỗ phồn hoa đô hội thôi, mặc dù họ không phải người ăn chơi hưởng thụ, sa đọa. Trong kinh gọi là những chỗ trung thổ, vùng đất trung tâm. Do phước nghiệp nào mình mới về chỗ đó. Còn mình thì một, là mình không được về chỗ đó; hai, là mắt mờ tai điếc không màng tới. Vì sao? Vì kiếp xưa mình từng từ chối nó, mình không trau dồi nghe, đọc, tư duy. Mình từ chối sự minh mẫn và tỉnh táo nên sanh ra không khùng, không kém trí nhớ thì cũng thiếu tánh cầu thị, hiếu học. Tiền nghiệp sao nó mới ra vậy.
Có vị sẽ nói trên đời biết bao người không biết gì mà họ có chết đâu? Nói vậy thì tùy hỷ, tôi không ý kiến. Riêng với người đồng điệu thì tôi xin nói nhỏ. Thế giới này có 4 thứ ánh sáng. Thiếu ánh sáng sống trong bóng đêm nó mệt lắm.
Bốn thứ ánh sáng: (1) Ánh nắng, (2) Ánh trăng, (3) Ánh lửa (ánh điện), (4) Ánh tuệ.
Trong kinh nói, đời này mình sống an lạc, an toàn là nhờ 4 nguồn sáng này.
Thích say sưa nghiện ngập là thiếu ánh tuệ. Có những vùng tối nắng giúp được, có những vùng tối trăng giúp được, có những vùng tối ánh lửa, ánh điện giúp được nhưng có những vùng tối chỉ có ánh tuệ mới giúp được. Mình từ chối sự minh mẫn, tỉnh táo là từ chối ánh tuệ. Có những vùng tối mà ánh nắng, ánh trăng, ánh điện, ánh lửa không giúp được, phải xài ánh tuệ. Mà mình thiếu cái đó thì khó sống lắm.
Hỏi mấy bà mấy cô trong bếp. Cái đầu phải sáng sáng nấu mới ngon, chuyện bếp núc mà phải có chút sáng kiến, thông minh tí, làm nó mới tốt. May vá, nấu ăn, nữ công gia chánh, dọn dẹp nhà cửa, bồng bế em bé, vệ sinh người già, chăm sóc người bệnh,... nghe oải rồi nhưng có sáng đầu làm nó mới tốt; Nói gì là cơ khí, khoa học, tôn giáo, triết học, tư tưởng, chính trị,...những chuyện trừu tượng cao cấp càng cần ánh tuệ.
Nhìn người khác lau cái bàn, mình thấy rõ ràng. Cái bàn dơ, cách người ta cầm khăn lau là biết người đó có tuệ không. Bàn đó là bàn trà hay bàn ăn. Bàn dơ ít hay dơ nhiều. Phải xài loại khăn nào, khăn khô hay khăn ướt, loại dơ ít, loại dơ nhiều. Mới uống trà xong không thể xách nùi dẻ mới lau nước mắm được. Rồi cách lau sao để mấy hột cơm, vụn bánh không rớt xuống sàn không phải quét lại... nhiều lắm. Cả 100 chuyện trong chuyện lau bàn. Mình liếc mắt mình thấy tay đó thiếu ánh tuệ.
Tại sao thiếu ánh đó? Vì kiếp xưa nó đã từ chối, đã phủi tay, từ khước không chịu nhận, không chịu đầu tư.
Đây là lý do vì sao chúng ta sống chánh niệm. Vì có niệm nó mới có tuệ, có định mới có tuệ. Không có là không được. Không có là mình sống chỉ là cái xác chưa chôn. Sống cần những nguồn sáng. Nguồn sáng nó chỉ có với người nào biết trân trọng, biết đón nhận, biết đầu tư nó.
Trích bài giảng Kinh Ác Báo 2 – 21/07/2024 Nhật tụng Kālāma – Kinh tạng trích diễm Kalama tri ân cô Diệu Hỷ ghi bài.
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english