sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Ngon DởPhàm phu sống giản dị là vì họ không có thời gian thôi, chứ khi có thời gian và được sống trong tiện nghi họ vẫn tận hưởng, vẫn thưởng thức. Riêng phàm phu chứng thiền an lạc trong thiền định cao hơn an lạc trong vật chất bao nhiêu ngàn lần. Như người trưởng thành không ham chơi trò chơi trẻ con, không ăn kẹo mút, kẹo ngậm, không ăn kẹo bông gòn như trẻ con được nữa. Niềm vui, sự bận tâm của người lớn khác trẻ con.
Tôi biết nói cái này nhiều người sốc. Khi chúng ta có đời sống tâm linh – chẳng hạn như nghiên cứu, tham khảo, học tập hơi chuyên sâu chút, thì nhu cầu vật chất tự nhiên teo tóp lại, nói gì một vị thánh. Thánh thấp - Sơ Quả & Nhị Quả, khi không còn thân kiến, hoài nghi thì nhu cầu lo thân đã giảm bớt bao nhiêu rồi, lên một tầng nữa tầng Tam Quả dứt hẳn Dục ái (đam mê trong vật chất) và Sân (bất mãn trong đời sống) vị đó không còn, là không có nhu cầu thưởng thức hưởng thụ nói gì tầng cuối cùng là La Hán. Thân này với các vị là gánh nặng.
Bhārā have pañcakkhandhā thân này đúng là gánh nặng.
Nghĩa là chưa đến duyên thì phải sống thôi. Mỗi ngày đưa thức ăn vào miệng nhai, nuốt, tiêu hóa, bài tiết, tắm rửa, đánh răng, mặc áo, mặc y... là một gánh nặng. Nó là chuyện lặp đi lặp lại vô vị tẻ nhạt, vô nghĩa, vô ích. Nhưng có thân thì phải vậy thôi. Phải đi vào đi ra quét dọn phòng ốc. Không phải họ làm biếng mà họ ý thức rõ trong toàn bộ đời sống vật chất không có gì để sở hữu, thưởng thức hết. Khi không có nhu cầu thưởng thức, sở hữu thì mọi sinh hoạt có ý nghĩa, tinh thần rất khác biệt so với người có đam mê, có say đắm. Cái này là khác biệt rất lớn.
Phàm phu mình ăn ngon. Người có chánh niệm có trí tuệ thì biết ngon là do nhu cầu sinh học. Do đói mình mới ăn được. Mình thích ăn bánh xèo thì phải đói nó mới ngon. Không có cái gia vị nào bằng cái đói hết. Khi mà đói rồi mì gói ăn cũng ngon, chứ nó đã no thì sơn trân hải vị thì cũng chịu thua. Các vị thử liền: Lát ăn dùm tô cơm nguội hoặc mì gói cho nó thiệt no, xong xuôi bao nhiêu nhìn những đồ ăn sang trọng, đắt tiền... chịu thua. Nếu hiểu sâu chỗ đó mới thấy cái ngon, cái dở nó do nhiều điều kiện, nó không phải là những giá trị bất biến. Cái ngon, cái dở là tùy lúc, tùy tình trạng sinh học mà ngon, dở, muốn ăn hay không muốn ăn. Phàm phu mà hiểu được cái đó thì nhu cầu đời sống vật chất đã khác nói gì người đã am tường, thông suốt bản chất, vận hành của thân tâm.
Trong kinh nói hành giả có học đạo, hành đạo - chưa kể chứng đạo - chỉ mới học đạo, hành đạo đúng mức họ coi nhà cửa, tài sản, thân xác, áo quần, giày dép,... là những nhu cầu rất gượng gạo. Trong kinh nói, như người sắp chết đuối mà không biết lội phải vịn vào xác chết trôi ngoài biển để vào bờ. Cái xác mới chết mình rờ là mình đã không muốn rồi nói gì cái xác trương phình, hôi rình, ruồi bu. Nhưng giờ mình không biết lội thì phải vịn nó để vào bờ. Nói cái này hơi ghê quá nhưng mà trong kinh nói vậy. Người không biết lội phải vịn vào xác đó để mà đi vào bờ. Hoặc giống như một người bất đắc dĩ đi lạc đường trên sa mạc phải ăn thịt con. Tức là không có gì hấp dẫn, ngon lành, thú vị hết, chỉ vì hoàn cảnh thôi.
Đó là kinh nói cho hạng hành giả chuyên tu, miên mật. Mình nghe thì mình không tin, nghĩ làm gì có tâm trạng cực đoan như vậy. Nếu có duyên tu nhiều đời cộng công phu miên mật hiện tại thì thấy chuyện đó bình thường. Hình ảnh hơi ghê, cực đoan nhưng thực sự nó như vậy. Một hành giả chỉ mượn thân mà tu tập, mượn hơi thở mà tu tập, quan sát thân bất tịnh để mà tu tập, tỉnh thức trong từng sinh hoạt lớn nhỏ như tắm, gội, ăn mặc,... để mà tu tập ...Toàn bộ sinh hoạt trong đời sống chỉ là cơ hội để tu tập thôi, ngay cả thân xác này khi tắm rửa, vệ sinh, bài tiết,... chỉ là cơ hội để tu tập.
Tôi đánh một vòng để quý vị thấy tất cả chúng sinh nằm gọn trong 4 hạng:
Ở đây mình thấy: Chỉ riêng vị học giả, hành giả, nhà khoa học, nghệ sĩ, nghệ nhân, chính khách mà người ta còn không thiết tha đời sống vật chất nói gì người chứng thiền chứng đạo, cao nhất chính là vị La Hán. Trong kinh nói có những cảnh giới tái sinh như trên Phạm thiên, người ta chỉ có 3 trong 6 căn thôi: Mắt, tai, ý thức thôi, chứ họ không có nhu cầu ngửi, nếm, đụng. Họ không có chuyện ngon dở, thơm thúi, mịn nhám, ấm áp... Họ không có nhu cầu đó.
Khỏi cần đi xa, chỉ cần mình sinh cảnh giới thấp kém là nhu cầu đơn giản lắm. Thí dụ làm con giun đất thì nó không có nhu cầu gì hết. Con người mình có trăm tỷ nơ-ron tế bào não, mình toan tính, sắp xếp cái này cái kia, thưởng thức, hưởng thụ, cái nọ cái khác chứ con giun nó có 7 nơ-ron nó chỉ biết sống trong đất, nóng quá lạnh quá thì di chuyển chỗ khác. Chỉ vậy thôi. Nó không có nhu cầu gì hết; Cái đó không phải là nó hay mà là do phước nghiệp nó phải sanh về chủng loại, cảnh giới đó.
Riêng con người mình khi có học đạo, có mối bận tâm quan trọng, lợi ích ý nghĩa thì chúng ta cũng không có nhu cầu – cái không này mới quý. Nhưng cái không kia chỉ là tạm thời trong thời điểm đó, hoặc trong kiếp sống đó thôi. Vị La Hán hoặc các bậc thánh nói chung, các vị vĩnh viễn không có nhu cầu hưởng thụ chỉ có nhu cầu sử dụng.
Tôi phải nói rõ ở đây. Học kinh phải nói cho rốt ráo không phải đạo Phật kêu gọi mình sống khổ hạnh cực đoan. Không nha. Đạo Phật phân tích rốt ráo cho mình là như vậy. Đạo Phật không ép tất cả những người tu Phật, tin Phật, học Phật phải có một đời sống vật chất cực đoan, khắc kỷ, khổ hạnh, ép xác, tự đọa đày, tự đón khung, thì không. Cái đó không có.
Tùy khả năng, trình độ mà chúng ta chọn lấy một nếp sống như thế nào đó vừa đủ, để nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Chính là tinh thần cao nhất trong Phật pháp.
Thông qua bài kinh (Trai Giới) hé ra những vấn đề đặc biệt:
* Vị La Hán dầu mang thân nhân loại nhưng nhu cầu chỉ dừng ở mức sử dụng, không qua thưởng thức hưởng thụ. Nói như vậy có nghĩa nhu cầu thưởng thức hưởng thụ chỉ dành người không biết gì hoặc còn có thời gian để sống bất thiện.
* Phàm phu không biết Phật pháp mà chỉ cần có mối quan hoài, ưu tư với khoa học, nghệ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội một cách sâu sắc nặng lòng là mình đã không có thời gian hưởng thụ, thưởng thức vật chất rồi.
Trích Nhật tụng Kalama 28.07.2024
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english