Tín & Tuệ

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tín & Tuệ

Cảnh giới trong đạo Phật gồm có hai, đó là:

1- Cảnh giới không gian

2- Cảnh giới tâm linh

Cảnh giới không gian là nơi chốn mà chúng ta hiện hữu, có mặt, tồn tại, sinh sống. Cái đó gọi là "Cảnh giới không gian".

Cảnh giới thứ hai chính là "Cảnh giới tâm thức". Bà con tin hay không tin thì tùy. Tôi chỉ chịu trách nhiệm cái tôi nói thôi. Tức nghĩa là cũng trong căn phòng đó mà bà con gọi là sân si, tỵ hiềm, bực bội, ghen tức, sợ hãi, thù hận, thì căn phòng đó nó ra làm sao các vị biết rồi, phải không? Nhìn đâu cũng là thấy muốn đập phá, phải không? Đập đổ, hủy diệt, bạo hành, bạo lực hết. Nhưng nếu cũng trong căn phòng đó mà mình có Chánh-niệm, mình sống có Từ tâm, có Trí tuệ, có Thiền định, thì căn phòng đó nó trở thành là Tịnh thổ, Tịnh địa, Tịnh cư. Cái đó có thật. Cũng cái khu vườn, gốc vườn nhỏ xíu đó có chút cỏ, chút cây, chút hoa, chút lá đó thôi, nhưng mà đời sống tâm lý của người mà đang có mặt ở đó biến cho cái góc vườn đó thành ra là một cảnh giới như thế nào. Chuyện đó tôi tuyệt đối tin tưởng. Nó là Tịnh thổ, Tịnh địa, hay nó là một cái chỗ đọa đầy khổ ải. Này là do mình thôi. Đó là định nghĩa chữ "Cõi" theo cảnh duy lý, duy vật.

Còn nếu mình là người Phật-tử, mình đi xa hơn một chút thì mình thấy chuyện đầu tiên là đừng có lấy kiến thức nửa vời ba mớ của mình đem mà phán vũ trụ cái này có, cái kia không có. Đó là chuyện đâu tiên. Chuyện thứ hai là, làm ơn nhớ giùm, mình muốn tin cái gì cũng ráng tìm bằng chứng, và muốn bác cái gì cũng làm ơn ráng tìm giùm bằng chứng. Chứ còn đằng này mình bác cái gì đó chỉ vì nó vượt khỏi nhận thức của mình thì cũng hơi kẹt. Mà chưa kể là đa phần chúng ta sống nặng về cảm xúc. Nặng lắm luôn.

Thí dụ như bây giờ mình bất mãn một hai cá nhân trong Tăng-ni là mình rất dễ bất mãn Phật-giáo. Rất dễ. Dễ lắm luôn. Bây giờ mình lên Bình Dương mình thấy có một ngôi chùa mà mình không vừa ý, có một Tăng, một Ni nào đó mình không vừa ý là rồi. Đó là mới có một cái chùa ở Bình Dương thôi đó. Rồi mình ra Nha Trang mình lại ghét thêm cái chùa nữa, là hai cái chùa. Thì chỉ cần hai cái chùa này là phá tan nát đạo tâm của mình đối với toàn bộ Phật-giáo Việt Nam, toàn bộ Phật-giáo Việt Nam nói riêng và Phật-giáo trên toàn cầu nói chung. Hễ nghe nói đến Tăng-Ni là bắt đầu mình thấy oải rồi. Đó là sai! Hoặc ngược lại, mình thần tượng một Tăng, một Ni nào đó, thế là mình bèn nhuộm hồng toàn bộ Phật-giáo. Lại cũng sai! Là bởi vì khi mình nhuộm hồng như vậy, bữa nào mà mình gặp một thực tế tang thương là mình bị dội, bị sốc, là lúc đó đừng có trách. Nhớ vậy.

Trong khi Đạo Phật là đạo Trí-tuệ. Niềm tin nó là một trong những thành tố cần thiết của tâm lý. Đúng. Nhưng mà nó không phải là tất cả. Người phải có Trí, có Bi, phải có Niệm, có Định. Đấy. Làm người ít nhất là phải có 5 Quyền: Đó là Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Phải có! Chứ không thể nào mà mình chỉ đến với Đạo thông qua niềm tin, nhất là niềm tin đó nó không đến qua cái gì ghê gớm, mà nó chỉ qua những gì mình thấy, mình nghe. Vậy thì chết rồi! Phải không? Nhớ cái đó. Cẩn thận cái chỗ này.

Tôi đang nói về vấn đề Người – Cõi, thì tôi muốn là dừng lại chỗ này một chút, là điểm nhẹ, điểm sơ cái quan điểm gọi là niềm tin của đa phần Phật-tử mình. Phải cẩn thận cái đó. Mình muốn tin cái gì cũng phải có bằng chứng, mà mình muốn bác phải có bằng chứng. Và đừng có vội tin vào kiến thức bản thân, mà đặc biệt là phải luôn luôn cảnh giác với cảm xúc của mình. Nó quan trọng lắm lắm luôn. Tức là mình thường đánh giá vấn đề thông qua cảm xúc, chứ không có thông qua một cái lý lẽ nào hết, không thông qua một cái nền tảng tư duy gì hết. Đa phần là mình cứ căn cứ vào một cái cảm xúc, cái tình cảm rất là chủ quan của mình.

Trích bài giảng Người & Cõi
Kalama xin tri ân bạn Lý Ngọc Nga / Tử Du ghi chép


Tam Tứ Ngũ Thất Bát | | Quán chiếu Duyên Khởi

Trà Khuya | | Tản Mạn Tâm Tư

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com